Gần Tết ta, lại nhớ mấy bạn
già. Dân bên này nhiều đứa rảnh đang lên mạng ngóng chờ Donald Trump nói tốt
nói xấu gì VN không, vẫn chưa nghe đụng chạm, lại xúm nhau bàn lung tung, tính lấy
ngày Tết tây hay giỗ tổ Hùng Vương ăn Tết ta để bớt nghĩ Tết, lại nói “manh động”
Tết âm lịch là Tết cúng tổ tiên của Lưu Bang chứ không phải Tết tổ tiên của Lạc
Long Quân. Bọn nó tranh luận ngu không chịu nỗi, dù toàn là giáo sư tiến sỹ. Nhưng
biết đâu còn nhiều đứa ngu hơn, chơi dại bỏ quách Tết Nguyên đán, thì không còn
được ăn Tết như xưa, không còn Tý Mẹo Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi, không
còn cái bồn chồn lo lắng những ngày xuân. Thôi, cố gắng thức đêm mà viết.
Năm nay năm Đinh Dậu, năm con
gà cục tác mái tranh. Lứa mình chắc không ai tuổi Dậu, dù có T. gà ri, Q. gà
mái. N. gà chết… (chưa phát hiện đứa nào gà mở cửa mã). Thày thì có Thày B.,
cũng chưa chắc tuổi gà. Năm hoc đệ lục, Thày ho, lớp ho, Thày cười bẻn lẻn, cả lớp
càng ho, có đứa ác dại nói bị ho gà. Đắc Kỷ không sống dậy nên Thày đành chịu
oan.
Gà nhà có từ gà rừng long đỏ
long xám gì đó, giống như heo rừng, chó rừng, voi rừng,… và cả người rừng (trừ
mấy ông rừng bà rừng). Có điều xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ, Trung Quốc, Thái
Lan hay đâu đó thì còn tranh giành. Chuyện chuyển hóa rừng thành nhà này xảy ra
trên 8000 năm, nghe nói ban đầu không phải để ăn thịt lấy trứng hay thờ cúng
xem bói, mà là để đá gà. Xứ sở thần tượng gà trống nhất chắc là Pháp, với hình ảnh
gà trống Gaulois khắp dất nước.
Thú chơi đá gà không biết xuất
hiện ở VN lúc nào, nay thế giới chuyển mình qua cuộc cách mạng công nghệ lần thứ
tư, đàn ông VN vẫn ham chơi lén, kè kè con gà với chiếc ipad, dòm chừng công
an. Tại VN, cho đua chim, đua chó, đua ngựa, đua bò, đua voi, đua đủ thứ, trừ
đá gà. Xem đá gà như chơi số đề, ghiền như xì ke, rình mò theo dỏi để bắt bớ, bắt
ngồi chòm hỏm chụp hình lấy ăng kết cho bằng được. Tội nghiệp cho mấy con gà đá
và đám dân thành thị gốc “bần cố nông” quê mình. Người ta quên rằng, mấy nghìn
năm, từ Nam chí Bắc, đá gà vẫn là một thú vui dân giả truyền thống, thậm chí tục
lệ đầu năm cho nền văn minh lúa nước.
Người có công cho thú đá gà chính là Tả
quân Lê văn Duyêt (lăng Ổng gần nhà PS). Nghe kể lại, Ông rất mê đá gà, dự chầu
Vua trễ, phải khen đáo để cho con gà trống với nhiều đức tính văn võ dũng nhân
tín… Ðầu có mồng như đội mão, chân mang cựa tựa như dao,
địch trước mặt vẫn xông vào, có cái gì ăn đem chia đồng loại, tới canh năm thì cứ
gáy… Ông viết trong Kinh Kê, Giống gà rất đỗi anh hùng.
Cũng gồm năm đức cũng thông trăm tài. Tôi chỉ xin Đức Tả quân bổ sung thêm môt tính tốt, hết sức galant đối với gà mái, và một tính xấu không sửa được, thích rượt gái đạp mái lung tung. Sau Tả quân Lê văn Duyệt, là nhân vật Nguyễn Cao Kỳ râu, bố Nguyễn Cao Kỳ Duyên, cũng để lại nhiều giai thoại về mê đá gà.
Cũng gồm năm đức cũng thông trăm tài. Tôi chỉ xin Đức Tả quân bổ sung thêm môt tính tốt, hết sức galant đối với gà mái, và một tính xấu không sửa được, thích rượt gái đạp mái lung tung. Sau Tả quân Lê văn Duyệt, là nhân vật Nguyễn Cao Kỳ râu, bố Nguyễn Cao Kỳ Duyên, cũng để lại nhiều giai thoại về mê đá gà.
Chơi gà nòi cũng
lắm công phu, nghe đâu có gà mẹ tốt, đẻ ra gà con thắng lợi nhiều nơi nhiều trận,
là tìm mua hay đổi cho bằng được, chó giống cha gà giống mẹ. Cả bầy gà con cũng
chỉ lựa chọn được một chú, nhìn dáng đi dáng ăn dáng ngũ mà chọn, gà đá hay tính
khí sinh hoạt khác thường ngay từ chưa mọc hết lông đuôi. Đem về, còn phải chăm
sóc bài bản, dáng mã đẹp nhưng không biết chăm sóc thì cũng vứt, chỉ cho gà ăn
lúa uống nước mưa thỉnh thoảng ăn dậm giun dế, hàng ngày ngậm rượu ngâm thuốc
ôm gà lên phun vào đầu vào mỏ vào chân. Đến lúc ra dáng trưởng thành, còn phải
xổ gà, còn phải lựa gà cùng chạng mà xổ. Nhớ một thời Bà già khổ vì Ông già, nghe
tin đệ tử đâu có đá gà là Ổng lén Ổng đi, Phú Hội Phú Hài Phú Trinh Phú Phong,
cả Sông Mao Phan Rí Liên Hương Cà Ná Lagi Căn Cứ…, Ổng bắt độ gà ô này gà tía nọ,
hết tiền giống y chang chơi vé số. Rồi lại theo mấy người Bạn cùng đam mê, tìm “linh
kê” tận Ma Lâm Suối Kiết, nằn nì đổi mua đem về gửi nuôi cho được, chứ Bà già
không cho nuôi, Bả tuyên bố Bả có tay sát kê, vào tay Mẹ chỉ có gà chết hoặc gà
cúng. May cho Ba tôi, chỉ mê gà nòi chứ không mê gà móng đỏ.
Tôi lại không
thich đá gà, cuộc chiến nào cũng rụng lông rụng cánh, kẻ ăn người thua, hay dư
âm văng vẳng câu tục ngữ từ bé, gà cùng một
mẹ chớ hoài đá nhau. Chỉ thích nhìn chú gà trống bới đất tìm trùn sau vườn
cho thím gà mẹ và đám gà con chíu chít lông tơ còn vàng ửng. Chỉ muốn nghe lại
tiếng gà gáy hừng đông, Bà nội đánh thức Ông dậy uống ngụm trà nóng chuẩn bị đi
biển, tôi thì chuẩn bị soạn vở ôn bài. Mấy mươi năm xa PT, chỉ muốn nghe lại tiếng
gà lạc lõng tìm bạn giữa trưa hè, tiếng gà mẹ cục tác cục cục tác tìm con.
Thời xưa chỉ có
gà ri, gà tre, gà tàu, gà quạ, gà nòi, gà sao, gà kiến. Giờ có thêm gà đông tảo,
gà tam hoàng, gà hồ, gà chín ngón, gà lông xù, gà hàn… Người ta bày ra để “tiến
vua”, mua lộc hên xui, buôn vua bán chúa, một con từ vài triệu đến vài ba trăm
triệu. Nhưng dù ai đi ngược về xuôi, gà ta thả vườn vẫn là số một trong những
món cúng bái đầu năm của đa số người Việt Nam, gà xôi trầu rượu. Những năm còn
bé, Tết ăn thịt gà vẫn không thích bằng ăn chân gà, vì ăn ếch tháng ba ăn gà
tháng tám và ngày Tết đầu năm mới Ông tôi thường xem bói chân gà cho lối xóm,
tha hồ gậm chân. Những cái chân gà bụ bẩm, tròn trịa, khép kín sẽ đem lại may mắn
cả năm. Ông mất sớm, không học được nghề, tiếc thật.
Tết phải nói về
ăn. Với thịt gà, có thể chế biến được
nhiều món ăn ngon như: gỏi gà, gà quay, gà kho sả, gà luộc, gà lá chanh, gà hấp
muối, gà hầm thuốc, gà rim nước dừa, gà nấu tiêu, gà chưng cách thủy, gà ác tiềm,
gà rô ti, lòng gà xào mướp, cơm gà, phở gà, miến gà, bún gà, mì gà, hủ tiếu gà,
mì quảng gà, gà rút xương, gà nhồi thập cẩm, lẩu gà nòi … Đường từ Sài Gòn về
quê Phan Thiết đoạn qua cầu Phú Sung, có các quán ăn dọc đường với món canh gà
lá giang và các món ăn gà ta nổi tếng.
Sài Gòn 28 Tết vẫn còn mưa, mưa
lại nhớ bạn bè người thân những ngày cuối năm gió bấc. Đọc cho Bạn hai bài thơ
có hình ảnh con gà của hai nhà thơ vang bóng một thời…
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Xao xác gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
(Nắng mới, Lưu Trọng Lư)
Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa, Nhớ nhà cha mẹ cảnh trường
xưa, Nhớ chao ôi nhớ Trời xanh thế, Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa… (Chế Lan
Viên)
Năm hết Tết đến, cũng phải chúc nhau, chúc mấy Bà 72 hiền và lo úm con cháu như gà mái, chúc mấy ông uống rượu Kim Kê pha Brandy La COQ Royal XO đỏ ké sung sức như gà nòi.
Phạm Sanh, PBC72
No comments:
Post a Comment