Thursday, August 8, 2019

Những người Thầy thời đại học




Pham Sanh <phams2005@yahoo.fr>
To:Pham Hoa
Oct 31, 2017 at 9:36 AM
Gửi PH một bài. Chúc bạn hiền khỏe mạnh.
PS


Đáng lẽ, những mẫu chuyện này nên viết vào dịp ngày lễ Thày Cô 20/11, nhưng đang rãnh, viết sớm hơn một chút.
Năm nay, Bách Khoa (Phú Thọ xưa) kỹ niệm 60 năm thành lập, tôi không dự được, bận đi dạy kiếm cơm ở Mỹ Tho, mà cũng chả đứa nào mời, bọn nó chỉ mời toàn quan chức đương thời và những vị hảo tâm cho tiền, còn lại SV từng lớp tự lên mạng a lô í ới rủ nhau về trường cho vui. Cũng không trách bọn trẻ trâu hiệu trưởng khoa trưởng thời nay, năm mình vào trường, bọn hắn còn chưa đẻ, lại thắm đuộm mùi màu xã hội chủ nghĩa origin. Cũng nhờ vậy, ngày hôm sau, nhóm học trò khóa 77 mà mình có dịp dạy sau 75, rủ Thày uống cà phê... Lớp em có lớp trưởng THB về, tìm khắp không thấy Thày, tưởng đi theo Thày Quang... Té ra bọn nhỏ U60 tưởng tui chết mời uống cà phê để thăm dò. Cũng nhờ vậy biết tin Thày Quang chết được ba ngày thì trường kỹ niệm 60 năm.
Thày Trần Minh Quang người Phú Yên đi tập kết về dạy môn công trình Cảng. Các cảng của Bình Thuận, Thày đều tham gia nghiên cứu khảo sát thiết kế như cảng Phan Thiết, cảng Lagi, cảng Phú Quý... Công Thày rất lớn ít người biết, lúc Thày còn làm trưởng khoa thời u ám, Thày giúp rất nhiều giáo viên gốc trong Nam “lý lịch xấu” được đi học tiến sỹ, với cách làm hết sức “sáng tạo”, Thày gửi đề nghị lên nhà trường, đứa nào lý lịch tốt gửi học Liên Xô và mấy nước XHCN, còn mấy đứa lý lịch xấu cho đi mấy xứ Tư bản học cho biết mùi bóc lột. Thế là mấy ông bà lãnh đạo nhà trường mắc lởm.
Còn một Thày người Quãng Trị, giúp Thuận Hải (Bình Thuận và Ninh Thuận) quy hoạch khá nhiều công trình thủy lợi như hồ Sông Quao, hồ Sông Lòng sông, hồ Đại Ninh, hồ Nha Á... Thày tên Nguyễn Xuân Trường, một nhà khoa học thủy lợi đúng nghĩa, mất sớm. Ngày viếng tang Thày, một vòng hoa tươi của ban giám hiệu, ghi dòng chữ có câu... Đồng chí NXT, khoa trưởng khoa Công chánh, nguyên đối tượng đảng... Lúc Thày còn sống, có lần Thày tâm sự, gia đình ở lại trong Nam có mấy trăm mét vuông đất cát bạc màu mà cũng bị gán là địa chủ, phải còng lưng phấn đấu cho tụi nó suốt đời.
Thật ra sau này, tìm hiểu thêm, mới biết rất nhiều Thày, tập kết về không đảng không phó tiến sỹ không ngóc đầu lên nỗi chỉ vì mỗi một cái tội không có thật, gia đình thành phần ác ôn phú nông địa chủ. Mấy Thày về từ miền Bắc mà còn khốn khổ như vậy, huống chi mấy Thày trong Nam ở lại sau 75 và cả đám sinh viên gốc miền Nam thì chịu đời sao nỗi, dù muốn an phận thủ thường.
Những ngày Thày Lê văn Danh sắp vượt biên, Thày cứ lại gần chỗ tôi ngồi, muốn nói một cái gì đó, nhưng rồi cứ cười hỏi chuyện soạn giáo trình giáo án buâng quơ. Một buổi chiều, Thày ôm khệ nệ cả chồng sách trắc địa tiếng Anh, cả luận văn tiến sỹ, tôi còn nhớ tên đề tài, ứng dụng phương pháp phần tử hữu hạn (FEM) tính ổn định đập thủy điện Trị An, tại trường đại học Khoa học Sài Gòn (trước 75, Phú Thọ chưa đào tạo tiến sỹ), nhờ tôi “xem” giúp Thày. Mấy ngày sau không thấy Thày vào bộ môn nữa. Không may mắn như những người khác, Thày Danh không đi tới nơi. Tiếc cho một người Thày hiền từ, nhà nghèo xứ Cần Giuộc Long An, cần cù học lấy tiến sỹ trong nước, làm tới chức Thứ trưởng Bộ Công chánh trước 75.
Trừ Thày Danh và mấy Thày cùng đi trên chiếc tàu xấu số như Thày Thủy, Thày Danh con (để phân biệt với Danh cha), tất cả các Thày khác ra đi  đều thành công. Ở lại thì bị phân biệt đối xử, học chính trị mút mùa, tương lai không có. Nhưng khi qua đến xứ người, nhiều Thày vẫn nhớ về trường xưa. Có Thày Nguyễn Triệu Đồng, qua Pháp dạy trường Grenoble, tháng lương đầu tiên, mua ngay một chiếc máy tính gửi về cho khoa Công chánh, chiếc máy tính đầu tiên của trường Bách Khoa TpHCM, vì chiếc máy IBM 360 được Mỹ viện trợ năm 74 đã bị tháo gở đem ra ngoài Bắc từ những ngày đầu. Sau này, được biết Thày Đồng  còn nằm trong ban cố vấn cho Tổng thống Pháp  giúp cho rất nhiều thày cô BK qua Pháp lấy tiến sỹ, âm thầm không ai biết, như mối tình âm thầm của Thày với  cô giáo khoa Hóa  AT còn ở lại VN.
Còn một Thày cũng tốt như Thày Đồng, đó là Thày Trần Xuân Danh, từ Khoa Tạo Tác Đại học Huế chuyển vào Phú Thọ. Nhờ có người cha tập kết ngoài Bắc về, Thày Danh vẫn được làm Tổ trưởng bộ môn Sức chịu vật liệu. Nhưng oái ăm, Thày không bền như vật liệu, chịu không nỗi môi trường luôn bị theo dõi rình mò, Thày tìm cách  vượt biên qua Úc (nhớ Thày Lâm Lý Hùng ở đại học Khoa học cũng vượt biên qua Úc, không biết còn sống hay chết). Vậy mà sau này, vẫn khệ nệ ôm cả đống sách tiếng Anh về tặng bộ môn, dù chả ai thèm đọc, có hiểu đâu mà đọc.
Thày Danh cũng chưa “hay” bằng Thày Phan Việt Ái. Lấy TS môi trường ở Mỹ, về Phú Thọ 73, qua lại Mỹ 75, làm thêm một bằng TS kinh tế. Có tiền, về Trung Quốc giúp mở sàn chứng khoán, qua Hồng Kong đầu tư bất động sản. Cuối đời cũng lò dò về VN lên mạng lấy bút danh Alan Phan dạy mấy đứa nhỏ kinh tế ngân hàng làm giàu chân chính, hứng tình cải lộn đụng chạm mấy tay bá hộ cướp đất phá rừng cở như bầu Đức, chạy lại sang Mỹ đột quỵ mà chết.
Không phải Thày Bà ở đại học ai cũng tốt trơn tru hết đâu, cả Thày miền Nam lẫn Thày miền Bắc vào. Trước 75, năm thứ nhất học toán giải tích thày Võ Thế Hào. Thày lấy tiến sỹ ở Bỉ, về VN dạy đại học Khoa học, mấy Ông Đặng Đình Áng, Lâm Lý Hùng, Trần văn Tấn, Nguyễn Đình Ngọc... xem chẳng ra gì, Thày Hào phải về trường Phú Thọ dạy toán giải tích. Thày dạy rất hăng say nhưng ít đứa hiểu, may nhờ Thày Lê Kim Đính assistant. Hôm cuối khóa, chỉ mấy thằng đi học, Thày nói lấy vở ra ghi chép kỹ bài giải đề thi Thày cho, nhớ đừng để mấy đứa trốn học biết. Đề thi đúng y chang những bài Thày đã giải, cả lớp chép lia lịa. Ngày trả bài, rớt sạch. Thày cười ác độc, tôi biết thế nào các cô cậu cũng thương nhau.
Thày ngoài Bắc về có Thày Huỳnh Chánh Thiên, dạy môn kết cấu bê tông cốt thép, phong cách sư phạm quá tuyệt vời. Có lần, tính toán vết nứt một bể chứa nước BTCT bị rò rĩ, tôi xem lại tài liệu học Thày, không thấy một hệ số thực nghiệm để đưa vào công thức tính. Chắc là hôm đó ngũ gục, bèn điện thoại gấp cho Thày để hỏi. Thày trả lời nhanh, biết ngay thế nào mấy cậu ra đời cũng xin hệ số này, vì tôi có dạy đâu... Xin số liệu là tiền, không còn chỉ là tình thày trò đơn giản.
Kể vui vậy thôi, võ nghệ mấy Thày già sao bằng mấy Thày trẻ sau này, võ công còn độc chiêu hơn nhiều.
Sau 75, thời chưa “đổi mới”, đi các nước CS học lên phó tiến sỹ chỉ chọn con em CM, học để về làm lãnh đạo, thay thế dần nhóm cha anh a bờ cờ. Thời đổi mới, đi học nước ngoài đủ dạng đủ kiểu nhưng cũng 90% là hơi hớm con cháu phe ta, đi học bằng tiền hối lộ, tiền ngân sách nhà nước lấy từ tiền thuế. Dân thường, thường là nghèo, ở VN vài chục nghìn đô  một năm không nhỏ chút nào, tiền đâu mà cho đi học, cô giáo dạy 32 năm về hưu nhận đúng 1,3 triệu một tháng, ăn cơm còn không đủ. Thế mà, Tây Tàu Nga Mỹ Úc Phi Hàn Nhật U Ấn Thái Mã..., tiến sỹ đủ cở đủ kiểu. Ngày nay, mỗi trường đại học cở như Khoa học, Bách khoa có đến vài trăm tiến sỹ, không thằng nào nể thằng nào vì thật ra không thằng nào biết thằng nào. Thày chết còn không biết mà đi đám. Không như trước, chỉ vài Thày tiến sỹ, nhưng sinh viên suốt đời không quên ơn, dù xã hội thay đổi thế nào. Các Thày Phạm Hoàng Hộ, Trần văn Tấn, Lê văn Thới, Nguyễn Chung Tú, Lý Công Cẩn, Nguyễn Thanh Khuyến, Trần Kim Thạch, Đinh văn Hoàng, Mai Trần Ngọc Tiếng (cô), Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Doãn Phi, Phạm Trọng Qui..., mất ở xứ người hay trong nước, SV đầu bạc các khóa đều khen về đức độ lẫn kiến thức và ai cũng tiếc nuối. Đúng là kết quả của một nền giáo dục “nhân bản, dân tộc, khai phóng”, chỉ tồn tại 20 năm, nhưng so với nền giáo dục trên 60 năm hiện nay, ai cũng thấy rõ...
Nói vậy thôi, một giờ một đời cũng là Thày. Mà mình cũng đang là thày, nói xấu nhiều, không khéo nhân quả. Xã hội nào con người ấy, thày nào trò nấy. Nhiều khi đối xử Thày Trò đại học vẫn có quan hệ đồng nghiệp tương lai, khác với tình cảm Thày Trò trung học, gieo hạt trồng cây nhưng không hề mong hái quả. Như bạn đại học cũng không vô tư như bạn trung học.
Rất tiếc, bài viết vội, không kịp hỏi thăm Trần văn Hùng sức khỏe các Thày Cô bên đại học Kinh tế ( Luật khoa xưa) và cả Minh A về các Cô Thày bên Nông Lâm Súc.
Sắp tới ngày Thày giáo, chúc sức khỏe và mong những gì tốt đẹp nhất đến với các Thày Cô Phan Bội Châu năm xưa ngày nào. Cả luôn sức khỏe các bạn hiền, đặc biệt mấy ông bà 72 đã và đang là nhà giáo như TVH, NVT, TVB, TPS, NQT, DTTS, DVS, HVT, PĐ, NMM, HS, LTS, NTH, NTM, BTD, ĐTB, NDHD, NVT, VTT, NT, anh em H-C... (nhiều quá, nhớ không hết).
Phạm Sanh, 72PBC

No comments:

Post a Comment