Friday, February 22, 2019

Lan Rừng Bình Thuận - Phạm Sanh PBC72



 
Lan huệ sầu ai lan huệ héo, lan huệ sầu đời trong héo ngoài tươi… Lúc nhỏ tôi thích bản nhạc này của Phạm Duy, cứ hy vọng ông nhạc sỹ có bà con xa với mình, lại có chữ lan huệ Huệ Lan gì đó, rồi lại có câu kết an ủi… lấy nhau không được thương hoài ngàn năm. Chắc tôi phải “dẩn” mấy bạn 72 PBC lên núi rừng giới thiệu về lan rừng Bình Thuận.
Lan rừng Việt Nam nghe nói có đến hơn 1000 loài, nhì thế giới chỉ sau Colombia, chỗ nào cũng có, cả Bình Thuận. Niềm say mê lan rừng đến với tôi những năm làm thủy điện Đan Sách. Từ Phan Thiết lên Ma Lâm, vào Đông Tiến, qua đèo đến Đông Giang, theo đường mòn ra Sơn Điền đi bộ nửa ngày là gặp sông Đarsak, một phụ lưu của sông La Ngà.


 Nhũng năm đó, đường vừa đi phải vừa xá, tới được Đông Tiến là phải ngũ qua đêm, thăm hỏi già làng, uống vài ché rượu cần, lễ nghĩa, để sáng sớm vượt suối Tỵ lên đèo được bình yên. Có lần, nôn nóng chuyện công trường, tài xế xe jeep không dám qua suối sợ lũ quét, tôi lội suối băng rừng cỏ tranh đi tắt, gặp cả bầy mèo con, sáng hôm sau ngũ dậy nghe mấy người dân tộc nói có bầy cọp mới về, hú hồn không dám dại đến lần thứ hai. Trên đường đèo, lan rừng khá nhiều loại, bám trên những nhánh cây già rong rêu chơ vơ theo sườn núi.

  
Con suối Đarsak khá đẹp, có thác, lòng suối toàn cát xếp đầy các bãi đá cuội óng ánh đủ màu sắc. Những buổi xế chiều, các cô dân tộc K’hor xuống suối tắm, anh em công nhân cũng tranh giành tắm, vui lắm. Người dân tộc giống như tụi Tây, tốt khoe xấu che, hay nói theo đám nhỏ sau 75, tự nhiên như người Hà Nội. Tôi không giống như anh em công trường được, mình dù sao cũng được mấy Thày Cô PBC dạy bảo quá kỹ, công dân giáo dục rồi đạo đức luân lý… (cũng giống mấy bạn), lủi thủi vác rựa vào rừng hái lan, tranh thủ lúc mặt trời còn chưa khuất sau rặng núi Ông Bà.

 
Dễ gặp nhất là nhóm lan chuối, lan lọng, lan ruồi. Mọc cả dề, thấp tầm tay trên các thân cây bằng lăng ổi. Mùa hè, bông nhỏ nở trắng từng chùm, hương thơm thoang thoảng, cả tháng mới tàn.
 
  
Rừng già Đông Giang cũng có nhiều lan kiếm, thường là đoản kiếm, mọc ở các hốc cây, lá xanh cứng chỉa thẳng, hoa thòng rất duyên dáng, không thua gì đồ trang sức mấy bà bạn của mình. Có cả lan giáng hương (trùng tên), rễ bám thân cây già, nghiêng người ẻo lã, hoa thơm phức cả cánh rừng.

 
Một số loại lan rừng khó tìm thấy tại rừng Đông Giang, La Ngâu La Dạ. Như lan ngọc điểm, có người gọi là lan đai châu (nói bậy thành tai trâu) hoặc nghinh xuân, vì đây là loại lan rừng quý hiếm nở hoa trong năm một lần đúng vào Tết Âm lịch, hoa thơm không gắt như giáng hương. Ở rừng Tánh Linh có nhiều lan ngọc điểm hơn, lá cũng xanh và to hơn. Có lần, gần Tết, đi khảo sát rừng ngập mặn Tân Thắng Hàm Tân, bất ngờ thấy lan ngọc điểm mọc theo các bụi cây gai trên các đồi cát ven biển, nắng gió làm ngọc điểm lá khô vàng nhưng hoa nhỏ trắng buốt lốm đốm hồng phấn cực kỳ trang nhả đài các. Nói rừng thác Bà Tánh Linh, nhắc Tết, lại nhớ lan báo hỷ, một loại lan dendro thân cứng, hoa đỏ rực từng chùm, làm điềm báo tin vui cho mọi người.



 Hôm nào đó, có đọc bài viết trên trang PBCHoingo của bạn KNT, nói về vẽ đẹp hoang sơ của khu vực thác Bà Tánh Linh, chợt nhớ chuyến đi khảo sát làm dự án thủy điện, lúc đó chưa có đường xe vào, chỉ vác ba lô bản vẽ thức ăn nước uống đi bộ. Lan ơi là lan, trên cây cũng có, dưới đất cũng có. Trên thì ngọc điểm, thủy tiên; dưới thì lan đất bầu rượu (lan ông tiên). Ai từng mê lan rừng, chắc biết giá trị thủy tiên, trắng có, mở gà có, hoa mảnh mai mỏng như giấy nhưng đậm nét kiêu sa.

  
Rừng Bình Thuận còn khá nhiều loại lan, cả những cánh rừng Phan Sơn Phan Lâm Bắc Bình hay Sông Lòng Sông Tuy Phong cũng đầy lan đuôi chồn đuôi cáo, lan hồ điệp rừng, cả lan hài đặc hửu. Các loại lan này đều được xếp vào loại quý hiếm, cấm khai thác, nhưng có cấm được ai đâu, phá rừng phải chặt cây, cây mất thì lan không còn chỗ nương tựa, và chắc là phải mất.



Bây giờ ở Sài Gòn, người ta toàn chơi lan ngoại. Lan Đài Loan, lan Thái dễ trồng, hoa to, thơm gắt. Nhưng tôi vẫn thích lan rừng, hoa nhỏ nhưng lâu tàn, thơm nhẹ nhưng dịu dàng và mỗi cây lan đều có mùi hương riêng của mình dù hai cây cùng loại lấy về cùng chỗ. Mỗi khi thấy lan rừng tôi lại nhớ rừng Bình Thuận, nhớ một thời trai trẻ, nhớ những bạn bè, có đứa cùng tôi hái nhánh lan rừng Đan Sách Biển Lạc năm nào và giờ đã nằm xuống.

Phạm Sanh, P3/B2- 72PBC

No comments:

Post a Comment