Cao Trần Thu Vân và Hoàng Xí PBC72
Khi nghe tiếng rao lanh lãnh của
mấy bà mua ve chai người miền Trung, cái xứ chó ăn đá gà ăn muối hay đất cày lên sỏi đá theo cái giọng văn chương
khỉ gió thời này, tôi biết đã hết Tết.
Năm Bính Thân không tốt cho người
tuổi Tỵ. Chưa kịp húp miếng canh phơn phớt nấu cá lưới cước sáng mùng hai, chiều
mùng một đã một mình dọc đường gió bụi vào lại Sài Gòn. Chạy xe dọc theo đường cái
ven biển qua những xóm dân, thời trẻ con theo ông Nội chạy lựa kéo lưới rùng, như
xóm Trạm hòn Vồ Kê Gà cửa Cạn cây Găng Tam Tân Lagi Cù Mi… Đường vắng tanh người,
chỉ nghe gió bấc thổi lồng lộng lành lạnh, vừa đi vừa loáng thoáng nhớ lại những
kỹ niệm ăn Tết đại gia đình lúc còn đông đủ. Dừng xe trên cầu Đá dựng, định điện
thoại HB chúc Tết nhưng lại quên số, ráng chạy đến ngã tư quân cảnh, ăn tô mì
xương hít thở lấy sức đi tiếp.
Tết năm nay sao là lạ, đúng ra người
dân ăn Tết hơi kỳ lạ, không xung như mọi năm. Hôm về 29 tết, bông hoa cây trái
vẫn lèo tèo, tội nghiệp mấy cô gái miền Tây vừa bán vừa ngủ gục. Năm nay, mai
vàng ra hoa rực rỡ nhưng rơi rụng gần hết, đào hồng lại giữ dáng không chịu ra
hoa, chắc chờ đến hết mùng. Chỉ có hồ điệp Thái Lan, Đài Loan là độc quyền khoe
sắc, bán mắc kinh khủng. Trang trí, sửa soạn, cúng quẩy, ăn uống, lì xì con
cháu cũng giảm dần, chắc là do yếu tiền. Tết chỉ còn tụ năm tụ ba, anh dô tui
dô dưới các hàng hiên hay nam nữ xúm nhau la hét cờ bạc tại các sạp chợ vắng khách
đầu năm.
Ngày Tết, năm “xấu” hạn chế ra đường,
nằm nhà mở tivi ra xem, chương trình đón xuân 2016 cứ phát đi phát lại các vở kịch
hài cũ, chán chết. Dám xơi luôn chương trình ca nhạc Anh Khoa hát, dịp về tết
2015 để nghe lại chào xuân 2016, nghèo và buồn thật. Nghe nhiều người nói, mới
đại nhạc hội vùng miền, chờ mở hội cả nước, an bài xong cho gọn vui hơn. Có anh
xếp lớn tuổi trâu già, bị mấy thằng trẻ trâu, thiên đình mới trở gió trở trời mấy
ngày đã bị chúng trở cờ, đưa chuyện con cái, rồi chuyện kinh bang tế thế, lên kịch
Táo quân đầu năm làm trò khỉ, lại còn đưa con khỉ lại cái Bắc Đẩu bắt chước
nhái mình, tức chết thật. Có lẽ năm nay Tết nghèo do “ảnh” hết làm, không ai
dám in thêm tiền như mọi năm, cứ tiêu xài trước cho sướng cái thân, để nợ cho con
cháu sau này còng lưng trả, mặc kệ ông bà chúng nó. Thôi, giậu đổ bìm leo, sông
có khúc người có lúc, biến hóa như Tề Thiên Đại thánh có lúc còn bị Phật tổ đè.
Mùng 4, mở mạng xem tin, nghe tin
động trời từ một bạn gái “hải ngoại”, HX đã mất, thầm trách chắc mấy ông bạn PT
còn đang say xỉn. Buồn cả đêm, trước Tết có nói chuyện với MQ, ĐT, Tết này về
PT sẽ thăm HX. Nhớ MQ còn gửi gắm, nói HX nên dời sang chỗ ở khác, đợt HT,MQ về
thăm mới đây, thấy nhà HX đang ở có cái gì lạnh lẽo “âm u” lắm. Chiều 29, sau
khi lên nghĩa trang lầu ông Hoàng, thăm đốt nhang khấn vái mộ ông già và người
thân, về lại tìm nhà HX nhưng chẳng ai biết, ác thật, định điện thoại MQ nhưng
ngại cô nàng bận bịu nghĩa vụ đủ thứ mấy ngày Tết, …ân hận mãi. Không hiểu sao,
những người thân thuộc bạn bè, ai mà tôi cứ gặp chuyện này chuyện nọ không thăm
được lúc lâm bệnh, đều ra đi luôn biền biệt không về, cứ y như là thế giới cỏi
âm báo trước điềm xấu. Lúc còn thanh niên đi làm việc ở PT, có lần HX hỏi nhỏ,
PS có biết về … không, tôi ngạc nhiên mừng rỡ, hết sức cố gắng nói tốt bạn này
cho bạn nọ, bạn nào cũng là bạn, cả hai cùng là bạn, lúc đó tôi cứ hy vọng có một
ngày... Nhưng tại duyên số, hay tại ai đó, từng người cũng chỉ là bạn. Nay HX đi
nằm trước tại vùng đất Phan Rí cửa, không biết có nằm cùng chung nghĩa địa với
Ông Bà sơ tôi, cũng chôn tại đồi dốc Chí Công, có những bụi sim tím làm bạn với
lưỡi long, nắng gắt gió lộng, chim kêu ríu rít quanh năm. Nhìn hình đám tang bạn
mình, đọc những lời chia buồn của nhóm bạn gái 72, không cầm được nước mắt. Tuổi
Tỵ, năm Thân.
Những ngày cuối mùng, người dân
các Tỉnh trở lại Sài Gòn. Tin vui, các bến xe đò hết sức trống trãi, văn minh lịch
sự, không còn cảnh chen lấn như mọi năm, chỉ có sân bay TSN hơi quá tải, máy
bay HN vào phải bay lòng vòng cả tiếng đồng hồ mới có chỗ đáp. Tin không vui,
các bến phà, cầu lớn, đường từ miền Tây, miền Trung về Thành phố đều nghẹt xe 2
bánh kinh khủng, như PT vào nghẹt từ trạm thu phí Sông Phan. Hiện tượng mới có
năm nay, về quê 2-300 cây số toàn bằng xe 2 bánh. Giống mình, thích tự do ngắm
cảnh ngắm người. Khác mình, có lẽ dân tình ít tiền phải tiết kiệm. GDP tăng
nhưng số đông nghèo hơn, dễ hiểu.
Thôi, nói chuyện khác cho vui, lấy
hên đầu năm. Sẽ nói về một số cái nhất của Việt Nam khiến thế giới tâm phục khẩu
phục.
VN là một trong những xứ thích lang
thang trên facebook, nhiều hơn 15% so với trung bình thế giới, trên 20 triệu người
truy cập mỗi ngày, mất khoảng 2,5 giờ cao hơn 2 lần thời gian xem tivi nghe
đài. Đa số là giới còn trẻ từ 18 đến 34 tuổi, đàn bà lên facebook nhiều hơn đàn
ông. Các số liệu thống kê gần đây đều xếp VN vào tốp 10 cho facebook và tốp 20
cho internet. Tuy nhiên con số này chưa chính xác, chắc chắn cao hơn, vì rất nhiều
người VN sử dụng chung một ID thiết bị. Ở VN, vào facebook phải cẩn thận, đừng
nói xấu lãnh đạo cũng như đừng dại dột a dua like theo, dễ bị CA theo dõi trình
bẩm, rồi đám hoạn quan nịnh bợ ra quyết định xử phạt tào lao. Mà quên, còn phải
đề phòng các cặp đôi dùng chung facebook có khiếu trinh thám, có tật suy nghĩ vẩn
vơ lung tung, dễ rối như canh hẹ. Tôi thì vào facebook nhanh như ăn trộm, liếc vội
rồi thoát ra ngay, đám học trò biết thày lên facebook, rủ rê xin điểm xin đề
xin địa chỉ nhà, lại khổ tâm thân già.
Lò ấp trứng vàng ngân hàng Việt Nam Thương Tín
VN là một trong những xứ nhiều tiến
sỹ, đã có khoảng 25.000 TS và thạc sỹ thì còn gấp 4 lần con số đó. Đang báo động
đỏ, các trường đại học chỉ cố gắng dung nạp được 10.000 TS, đang lập danh sách
giảm biên chế mấy thày cô, do số lượng sinh viên đầu vào giảm nhiều, đầu ra vẫn
cứ thất nghiệp dài dài. Năm 2015, con số 250.000 ông cử nhân thạc sỹ lẫn giáo
sư tiến sỹ, không có việc làm ổn định vẫn chưa chịu dừng lạ. Còn tinh thần đâu
mà học học nữa học mãi. Đã vậy, mấy vị giáo sư đầu bạc về hưu mở trường kinh
doanh giáo dục lấy tiền đâu ra để trả lương cho đám TS giấy không chịu ”ngu như
kiến”. Hậu quả một nền giáo dục kinh tế thị trường định hướng xã hội chữ nghĩa,
định mức 4 trò 1 thày (trong đó 4 thày phải có 1 TS, 3 ThS), rồi còn tự khen
các khẩu hiệu vớ vẩn như đến năm 2020 cán bộ do thành ủy Hà Nội quản lý phải là
100% TS. Từ đó, nhà nhà TS, người người TS, ra đường là thấy TS, ngủ một đêm tỉnh
dậy từ phó TS (một học vị của Liên Xô thời chiến tranh lạnh, tương đương thạc sỹ
các nước) bỗng vươn vai Phù Đổng hóa thành TS. Rồi TS hữu nghị, TS online, TS dởm
(học giả bằng thật), TS giả (học giả, bẳng cũng giả), TS múa lân, TS cải lương,
TS xây dựng Đ... Tiến sỹ cái con khỉ, đông như bầy sâu, chỉ còn biết lấy cái bằng
ráng chun vô cơ quan Đ. nhà nước chờ thời. Hàm thứ trưởng trở lên, số TS của VN
cao gấp 5 lần Thái Lan. Bộ CT bầu bán vừa rồi, 9/19 “đồng chí” là TS, Ban chấp
hành TW Đ. có 64 TS/200 vị (chưa kể số TS của phía quân đội). Nền giáo dục VN quá
tuyệt vời, cả Obama, Angela Markel, Giscard d'Estaing, Netanyahu, Putin, lẫn Tập
Cận Bình có mơ cũng không dám thấy.
VN là một trong những nước có tửu
lượng lên cao vùn vụt như tên lửa Triều Tiên, tăng trên 15% hàng năm. Năm 2015,
người Việt Nam mỗi năm uống 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu được sản xuất từ
trong nước (có nghĩa là chưa kể số lượng bia rượu ngoại nhập đang bày bán đầy
đường), gấp 4 lần bình quân thế giới. Dự báo đến 2020, người Việt uống rượu bia
vượt xa lắc các nước Nhật, Singapore. Mỹ, Pháp… Trong khi thu nhập GDP tính
trên đầu người so với người ta, lại là tỷ lệ nghịch. Khắp trên đất nước VN, trẻ
già trai gái, sang hèn giàu nghèo, hỉ nộ ái ố, từ nhà ra quán, đâu đâu cũng thấy
nhậu. Bàn nhậu là nơi bắt đầu, cũng là nơi kết thúc cho tất cả mọi chuyện, kể cả
chuyện tình. Nói về nhậu, chắc không ai bằng nhóm bạn trai 72PBC của mình trong
nước, chưa thống kê được số bệnh chết do nhậu và số tiền trả cho bác sỹ thẩm mỹ
khâu vá do say té đường xa, nhưng nếu kể chuyện say xỉn, phải tổ chức gặp hội
ngộ kéo dài cả năm, vài năm may ra mới được nghe chuyện gần hết. Những ngày đầu
xuân tết Bính Thân 2016, mỗi ngày VN có khoảng 5000 người nhập bệnh viện do tai
nạn giao thông, với gần 700 ca chấn thương sọ não. Trên 2/3 tai nạn giao thông là
do say rượu. Riêng uống rượu xong rồi lời qua tiếng lại tự ái đánh nhau, đánh cả
bố vợ lẫn bố ruột, đánh “lộn” đủ kiểu, cả nước có trên 30.000 trường hợp, báo hại
10.000 ma men phải vào bệnh viện nằm ăn Tết với mấy con ma nhà xác.
Sẳn nói luôn, VN lúc này còn nhất
hạng về chém lộn (loại chém này không phải chém gió chém vè chém đẹp ở VT gì
đó, đúng ra là chém không lộn, nhưng ông bà mình lỡ ưa ăn nói ngược ngạo, con
cháu phải nghe theo). Cái gì cũng chém, thích là chém. Đang đi ô tô, thấy bọn
trẻ dàn hàng ngay cản đường, bóp còi xin qua mặt, cũng bị chúng chém chết. Luật
sư vào ngõ xóm nắm bắt thông tin kiện tụng, dám đi xe ô tô gây ồn, phun khói bụi,
phải chém cho bỏ ghét. Uống cà phê, thấy 2 đám trẻ gây lộn rồi hết, thật thà
hóa dại, không chịu bỏ đi, chúng quay lại xách thêm mã tấu, chém “lộn”. Ngày Tết,
chồng xỉn, về nhà xin vợ tiền mua thêm rượu uống với bạn, bị vợ chém chết liền
tại chỗ, cũng có trường hợp chồng đành phải chém vợ trước. Giống như chuyện trộm
chó, nếu đám trộm không chém gia chủ tiếc con chó đuổi theo thì cũng bị nhiều thằng
khác chạy theo chém hùa, chết không kịp ngáp. Công an lục cốp xe bọn trẻ, 99%
có sẳn đồ chơi, tự chế hay TQ Campuchia gì đó, vài triệu là có hàng nóng súng ống
đủ hiệu đủ kiểu. Gặp chuyện, thuê giới giang hồ đất cảng, chém không đẹp không
lấy tiền, chém trật còn được trả lãi theo lãi suất ngân hàng, bọn này làm ăn
nhanh nhạy uy tín hơn xa các anh hùng Lương Sơn Bạc hay giới cowboy thời xưa bên
Mỹ.
Bàn về chuyện chém lộn, các
chuyên gia tâm lý giáo dục xã hội VN thường đổi thừa cho bọn trẻ, ít giáo dục,
kém ý thức, ba mẹ bỏ bê, môi trường internet phim ảnh phức tạp. Cao siêu hơn nữa
là tàn dư đế quốc thực dân phong kiến, là hậu quả kinh tế thị trường, là bọn trẻ
bây giờ không chịu bay cao như đàn anh ngày xưa… chân dép lốp đi vào vũ trụ. Nhắc
nhỏ, chưa ai dám làm đề tài nghiên cứu đổi thừa do IS.
Tôi thì suy nghĩ khác mấy vị này,
thượng bất chính hạ tắc loạn, mà con trẻ cũng do mình đẻ ra, rồi còn dạy dỗ mệt
nghĩ mấy chục năm trời, vậy là do người lớn chứ không phải do con nít. Thấy hiện
tượng bọn trẻ làm, nếu có bậy, chỉ là “quả” chứ không phải là “nhân”. Nghĩ lại,
nên bớt nói tốt về người lớn VN, mà nên nghe thêm nghĩ nhiều về các thói hư tật
xấu, hiện ra lồ lộ trong nhiều năm gần đây như độc ác, thù hằn, tham lam, hoang
tưởng, khoe của, lừa dối…
Việt Nam cái gì cũng nhất
Độc ác: Chưa bao giờ người ta lại ác độc với nhau như vậy. Ham tiền,
đưa hóa chất độc hại gây mầm mống ung thư vào mọi loại rau quả thực phẩm. Anh
em ruột sẵn sàng giết nhau chỉ vì miếng đất nhỏ cỏn con. Thậm chí, “tính giang
hồ hảo hớn” chỉ xuất hiện tức thời do mỗi chuyện va quẹt xe nhỏ nhặt không biết
lỗi phải đứa nào, hay hiểu lầm cái nhìn vô tình vào cô bạn gái mới quen trong
quán cóc nào đó. Người lớn chém nhau ngoài phố. Trẻ con đánh nhau trong trường,
đánh hết bạn, đánh cả thày cô. Con cái đối xử nghiệt ngã với cha mẹ. Cái ác bay
lơ lửng, có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào ở đâu. Xã hội, hay chính người lớn, đã
làm hỏng “hệ thống phanh” đạo đức- luân lý- background gia đình có chức năng miển
nhiểm, chặn lại tâm lý gây ác trước khi bước qua ngưỡng cửa tội ác.
Thù hằn chia rẽ: Độc ác đi kèm với thù hằn. Người ta sẵn sàng hằn học
độc ác với nhau sau những trò ru ngũ, những đoạn lịch sử cận đại cắt ghép, những
cặp bạn-thù tưởng tượng từ ý đồ một nhóm người. Tâm lý thù hằn oán ghét như những
hạt mầm gieo thêm cái ác, gây thêm sự chia rẽ vô cớ. Sự thù hằn nguy hiểm nhất
là “thù hằn tư tưởng”. Bốn mươi năm, vẫn còn chuyện cộng điểm đối tượng ưu tiên
khi các con cháu bước vào ngưỡng cửa đại học. Làm nghành dầu khí phải là người
Nam Định. Làm nghành CA phải là dân Củ Chi, Nghệ An, phải là lý lịch ba đời. Xuất
khẩu đi lao động nước ngoài phải ưu tiên cho các xứ đàng ngoài… Vào xem
comments các status bàn về chuyện có hơi hám chính trị, sẽ thấy tâm lý thù hằn quá
khích. Nó không thể được xóa đi bởi nó vẫn được tích tụ. Đó mới là điều thật sự
đáng sợ.
Tham lam: Lòng tham hiện diện khắp nơi. Lòng tham không có giới hạn
do không còn bóng dáng đạo đức thánh hiền, không còn niềm tin tối thượng vào
tôn giáo tín ngưỡng, mất hẳn khái niệm liêm sỹ tự trọng. Tham lam từ những cái
rất nhỏ nhặt đến cả tài sản tài nguyên quốc gia to đùng. Trộm nhau con chó, đạp
nhau cướp cho được “phết” lễ hội, chen nhau giành một suất sushi miễn phí, “hôi”
các tài sản của người đi đường bị nạn, giành thức ăn trong buffet… Rồi những
khu đất vàng, các mỏ tài nguyên, những dự án khủng, từ vài tỷ đến vài chục tỷ
đô la Mỹ, vay nợ khá dễ dàng để vài chục năm sau trả bằng tiền thuế mồ hôi công
sức con cháu. Lòng tham còn đang được cho ra nước ngoài. Hiện tượng ăn cắp tại
các cửa hàng siêu thị, buôn lậu, sản xuất ma túy, thậm chí lừa gạt lao động ra
nước ngoài, lừa bán các thiếu nữ nghèo nhẹ dạ lấy chồng TQ Đài Loan…, đang trở
thành phổ biến. Tham lam đang diển biến phức tạp, lan tỏa cho cả bầy đàn, địa
phương, dòng họ, rồi chuyện con ông cháu cha, con quan thì được làm quan, gia
đình “truyền thống”. Lòng tham không thể ngừng lại khi chuẩn mực đạo đức vẫn
còn bị ngăn cấm xa lạ đâu đó, khi bầy sâu tham nhũng vẫn còn lúc nhúc, từ tay bảo
vệ vô học gát cổng ủy ban Xã Phường đến từng ông anh vĩ đại tận thủ đô Hà Nội.
Hoang tưởng: Ngày càng có nhiều người Việt hoang tưởng. Hoang tưởng
về sự nổi tiếng, về tài năng, về sắc đẹp, về giàu có của mình. Hoang tưởng về
“thiên tài” con mình. Rồi hoang tưởng về dòng tộc, quê hương, dân tộc, đất nước…
Hoang tưởng là một bệnh lý. Tác nhân gây ra nó bắt nguồn từ thói sùng bái cá
nhân và bệnh hình thức phong trào “lấy thịt đè người”. Không đâu dễ thấy hiện
tượng này tại các phương tiện truyền thông quãng cáo ở các nơi không gian công
cộng, họp hành lễ hội, thông tin báo đài, thậm chí Facebook, nơi người ta có thể
đọc được những comments tâng bốc, “Đất nước này không thể thiếu anh!”. Có lần,
tôi dự lễ kỹ niệm 50 năm thành lập trường Bách Khoa, chị hiệu trưởng phát biểu,
phấn đấu đưa trường vào tốp 500 các trường đại học nỗi tiếng thế giới, giải lao
gặp chị, tôi hỏi, hiện nay trường mình đang ở tốp mấy, chị cười bẻn lẻn, có biết
ở tốp nào đâu. Cứ tưởng tượng và hứa hảo cho xong chuyện. Một xã hội hoang tưởng,
chỉ nhìn thấy cái bóng phóng đại hơn là ảnh thật trong gương, không bình thường,
cứ như câu chuyện dụ con ngựa cứ chạy hoài theo bó cỏ treo trước mỏm.
Khoe của đua đòi: Giày dép, quần áo, giỏ xách, biệt thự, siêu xe …,
chúng ta đang thấy thói quen khoe khoang phô bày vật chất lên đến tột đỉnh. Năm
2015, dân chơi xe VN bỏ ra 10.000 tỷ, nhập các xe đời mới, nhiều hơn cả
Singapore. Các hotgirl khi đi mua sắm phải là hàng hiệu và không được đụng
hàng. Nguyên tắc bất thành văn này cũng đã được áp dụng khi mua tặng quà cúng
biếu cho các quan chức. Không chỉ khoe khoan đua đòi, người ta phải còn tự khẳng
định mình trong một xã hội giao thời đầy những nhân vật Xuân tóc đỏ. Trẻ con phải
học trường quốc tế. Người lớn phải biết tennis, chơi golf…, để còn có cơ hội gặp
được đủ các anh, hai ba tư… út bé… đều có, tranh thủ nằm bên nhau bàn chuyện làm
ăn, chuyện dự án, thậm chí chuyện trai gái nhân sự. Các bà rủ nhau sang Thái
Lan xem mấy anh chuyển giới, sang Hồng Kông sắm hột, sang Sing sửa mặt sửa mông.
Phải thật đẳng cấp.
Lừa dối: Trước hết là dối trá, sau thêm lừa đảo, nói gọn thành lừa
dối. Dối từ trẻ lên già, theo từng cấp học, theo dòng đời. Dối từ trong ra
ngoài, từ trên xuống dưới, từ nhỏ đến lớn. Lừa cũng theo bước đi thứ bậc đó, ác
độc hơn do xuất hiện lòng tham, đã có toan tính lợi ích riêng cho cá nhân, cho
băng đảng, cho dòng tộc gia đình mình, bằng cách hại người khác. Sợ nhất là dối
lịch sử, khó sửa. Như nhân vật tưởng tượng Lê văn Tám, tẩm xăng đốt chạy vòng
vòng, lở đặt tên đường, tên trường, tên đủ thứ, làm sao dám đính chánh nói thật.
Còn nhiều chuyện dối còn vui hơn nữa, đúng ra là ba sạo, như chuyện anh hùng
Núp dùng nỏ bắn rơi máy bay Mỹ ở Ninh Sơn Ninh Thuận, có lần gặp nhau khi làm
đường lên vùng Bác Ái, tôi hỏi có thật không, ông già “anh hùng” trả lời, tự nó
rớt do “thằng Mỹ” hết xăng. Thét rồi, dối là bình thường, cán bộ ta thường ngụy
biện, dối vẫn tốt nếu có lợi cho mục… tiêu “cách mạng”. Đến bậc giáo sư tiến sỹ
cũng còn lừa dối, năm nào cũng lấy tiền thuế người dân nghiên cứu mấy cái đề
tài bá láp sơn đông mãi võ… Bệnh lừa dối ngán nhất là các ông bác sỹ công nghệ
thông tin, dùng ipad, iphone, facebook…, trên trời dưới đất ổng biết hết, cả
cái sóng hấp dẩn bé xíu vẫn phát hiện được huống chi chuyện dối trá to đùng sờ
sờ ra đó mấy chục năm.
Tôi vẫn giữ quan điểm, người lớn
hư làm con nít hư, khi người lớn tốt, con nít sẽ bớt hư. Hay vẫn suy nghĩ, dân
gian do quan tham, chứ nếu quan hết tham nhũng thì đố dân đen dám còn gian dối.
Thôi, nói xấu người Việt nhiều
quá mấy Bạn buồn, rồi sinh ra chán nản, phải dừng bút. Cứ tin cốt khỉ vẫn hoàn
cốt khỉ, người Việt Nam mình tốt, giỏi, lanh lẹ, biết sống, nhân hậu tử tế…,
thì trước sau gì, ác độc tham lam hoang tưởng lừa dối… cũng phải ra đi. Như các
Bạn 72, đi đâu rồi cũng trở về bằng máy bay đàng hoàng vui vẽ, chứ không loanh
quanh mỏi mệt như cái ông nhạc sỹ TCS suốt đời ca cẩm.
Phạm
Sanh, 72PBC