Cuối cùng thì bạn tôi cũng trở về.
Đêm gia đình Quang đáp máy bay xuống
phi trường TSN, chỉ có Hùng ra đón, Pháp phải về Hàm Tân lo cho mẹ đã quá yếu,
tôi thì đang trằn trọc trên chuyến xe lửa Diêu Trì - Sài Gòn. Vừa đi taxi từ ga
Hòa Hưng về nhà, chưa kịp rửa mặt, Q. đã điện thoại, hẹn hai thằng gặp nhau tại
KS… gần chợ Bến Thành. Vội đến, đã thấy Q. chờ tại trước sảnh, mập hơn, già
hơn, trắng hơn, chắc là cái gì cũng hơn, gần 20 năm rồi, bạn tôi mới về lại.
Hai đứa cảm động huyên thuyên đứng chờ vợ và hai đứa con xuống, chào hỏi, biết
mặt. Ngọc khá trẻ và hiền so với tưởng tượng của tôi trước khi gặp. Thằng con
trai đẹp trai nhiều hơn Q., đứa con gái lanh lẹ hơn mẹ. Tôi mừng thầm, con hơn
cha là nhà có phúc. Q. giới thiệu mấy đứa nhỏ không nói giỏi tiếng Việt, chỉ
rành tiếng Anh, tiếng Hoa. Mới nghe, hơi muốn trách, nhưng nghĩ lại, vợ chồng
Q. người Hoa, cả nhà quốc tịch Mỹ, VN cũng chỉ là “một cỏi đi về”. Ở Sài Gòn thời
buổi này, ai cũng khoe con Toefl Ielts Toeic, đang du học nước này xứ nọ toàn xứ
“tư bản”. Đi ngang tổng lãnh sự quán Mỹ đường Lê Duẩn, quan-dân xếp hàng rồng rắn
xin visa vào Mỹ “một ngày như mọi ngày” bất kể trần ai mưa nắng, còn ngang tổng
lãnh sự quán TQ chỉ thấy thập thò mấy cô thôn nữ miền Tây xin visa đi lấy chồng.
Q. về là mừng rồi, trễ năm nào mất
bạn năm nấy. Lúc này nói theo “đài báo”, diển biến khí hậu toàn cầu ghê quá, tuần
nào cũng nghe tin buồn của PBC72, tin vui theo không kịp. Nhờ MQ., ĐT., tổ chức
gặp mặt nho nhỏ tại Kỳ Hòa, các bạn PBC72 còn sống tại Sài Gòn đều đông đủ, trừ
những người chết như L., những người vắng có lý do và những bạn lúc nào cũng bận
như … Mà cũng lạ, không “bận” đi gặp bạn mới kỳ, chứ “bận” nhiều thì gặp bạn có
mất mát chết chóc gì đâu. Càng vui khi tiệc giữa chừng có em gái út của Q. đến,
hỏi Nghiệp nhớ tên không, N. nói trúng phóc tên ở nhà, tay này hay thiệt, mình
chỉ nhớ 2 cô em gái lớn là A Muối và Xó Zỉn, hắn nhớ cả tên cô em út đang học
tiểu học. Còn Q. cũng hay, nhớ tên hết chị em gái của CN Sơn. Tình bạn là vậy
đó, có lẽ ô nhớ còn lại cuối cùng của bộ não, chính là data người thân gia đình
và hình ảnh kỹ niệm thời thơ ấu.
Những ngày tiếp, gia đình Q. về
PT, đi NT. chơi. Nghe than, thời gian ngắn quá, cũng chỉ gặp được vài bạn như
D., BTN…, không gặp được Sỹ, BVS… Nghe nói, các bạn PT lúc này nhậu quá, say đến
nỗi không thể nào đi đến gặp bạn. Mình giải thích cho Q. vui, lớn tuổi, không
có gì làm không có gì vui, chỉ có nhậu nhẹt. Hể nhậu là nhẹt. Thuở nhỏ, nghe kể
truyện về rượu, về người ngư dân chài lưới gặp một cái chai, mở ra gặp ông Thần,
ông nói “Ta bị mụ phù thủy nhốt cả mấy triệu nghìn năm, hứa ai cứu sẽ cho 3 điều
ước tốt, mòn mõi chờ, lở hứa lại, ai cứu cũng sẽ được chọn một trong 3 điều ước
nhưng hơi ác, một là uống rượu, hai là giết vợ và ba là giết mẹ”, người ngư phủ
chắc giống mấy bạn tôi, chọn ngay điều ước được uống rượu không trả tiền, hậu
quả người này được cả 3 điều ước. Lớn lên, tôi cũng nhậu, nghề xây dựng đi đây
đi đó, quan hệ đủ thứ, ai nói không biết nhậu chỉ là nói dóc hoặc ba xạo mà
thôi. Uống từ ly bia pha đế kèm mồi thời SV, từng bát rượu cần nước ba nước bốn
trên các thôn làng người dân tộc, từng ly cối rượu trắng Bàu Đá Gò Đen Lúa mới
bên các cung đường khảo sát thiết kế, đến từng chai Voska Henessy Martin thuở một
thời công chức. Tôi chỉ bỏ rượu thời gian sau này, từ khi có dịp đi học nước
ngoài ở Pháp. Có lần, ông giáo Tây đãi ăn tại nhà, giữa chừng đem ra một chai
bia Đức khoe đi hội nghị mang về, uống chưa hết chai, ông đem cất lại vào tủ lạnh,
tôi hơi say lở lời, bên tao “cent pour cent”, ông ngạc nhiên hỏi lại, say rồi uống
sao được nữa, tôi tỉnh người. Đi chơi các hội chợ về rượu bia, cứ mua vé vào, uống
thử thả dàn, tôi nói đùa với bọn Tây, tụi mày qua bên tao triển lảm, đảo bảo khỏi
chở rượu về lại Tây cho nặng. Nói xong mới thấy buồn, xứ người ta giàu có, uống
rượu bia chừng mực, vừa tiết kiệm vừa giữ được sức khỏe. Xứ mình, vui buồn đều
uống, giàu nghèo đều uống, trai gái già trẻ ai cũng uống, uống bất kể thời gian
và không gian, uống quên cả sức khỏe, quên cả đường về, nhiều khi rượu vào lời
ra quên cả tình bạn. Mình không uống mà mấy năm vừa rồi còn mất mấy ông bạn quý,
chết vì bệnh do uống nhiều bia rượu.
Ngày Q. vào lại Sài Gòn, bạn bè lại
tiếp tục gặp, thời tiết Sài Gòn không mưa không nắng. Thật ra tôi cũng chẳng để
ý đến chuyện nắng mưa Sài Gòn, chỉ buồn nhớ bạn mình có lần nói, chắc đây là lần
cuối tao về, không phải khó về tiền bạc nhưng sức khỏe không cho phép. TV. Hùng
nói không biết giởn hay thiệt, hai ba năm về đi, vài chục năm nữa về, già hết gặp
nhau sao được, chắc là nói thiệt. Tôi thì nghĩ dại không nói ra, nhiều khi chết
mất rồi, như L. như Th. như Hải béo, Hùng đen…, muốn gặp chỉ ra nghĩa địa.
Thôi, ngồi nhâm nhi ly cà phê, nhớ cô bé ốm nhách nhớ nhạc Phạm Duy nhớ chùm
bài không tên, nhớ cái quán đầu đường Cao Thắng gần ga gần trường mấy đưa ưa ngồi
uống. Cô bé giờ này cũng không ai biết trôi giạt phương nào. Nhiều kỹ niệm lắm,
chắc Q. phải về VN nhiều lần thôi.
Đợt về lần này, chở Q. lên thăm
nhà M-Th, hai thằng lạc đường, chắc là hồi hộp vì mình là dân cầu đường thứ thiệt,
báo hại Thức phải ra ngoài hẻm đón. Vui lắm, bọn này kể đủ về các người Thày
người bạn từ lâu không gặp, từ PBC đến Nông Lâm Súc, từ B2 B3… đến Phú Thọ Sài
Gòn. Những truân chuyên gập gềnh từ lúc ra trường, từ sau 75, chuyện đời chuyện
người. Tôi thầm nghĩ về số phận, duyên số, vô định, vô thường, không có cái gì
là chắc chắn, chỉ trừ một cái, mấy bạn thử đoán xem là cái gì?
Buổi tiệc cuối trước khi Q. lên
đường về lại Mỹ… Hai giờ khuya ra phi trường nhưng Q. vẫn nói với vợ, 8 giờ sẽ
về (thật ra phải đến 9 giờ, tôi mới chở được Q. về KS). Gần 6 giờ, đến nơi liên
hoan chia tay, chỉ thấy 2 cặp vợ chồng S. và T. ngồi sẳn phòng “vip”, lấy điện
thoại gọi gần nửa tiếng, có thêm CNS, D. Yamaha, TVH. Hai “chiến hữu” của Q. là
Nghiệp và N.Thuận (nghe nói chung phòng trọ thời SV) đều khéo léo từ chối, lý
do giữ cháu nội cháu ngoại gì đó. Một bạn nữa là PĐ. từ VT, hứa lên nhưng rồi lại
quên mất, thằng Q. là thằng nào?. Tôi giải thích với Q., ở VN bây giờ đứa nào
cũng sợ vợ, giả vờ trông cháu, giả vờ quên bạn, Q. cười hì hì. Làm sao tôi dám
nói thật để Q. buồn, mấy chục năm, tụi nó nhiểm tính ba xạo dối như cuội như cả
chục triệu dân VN dính dấp nghề cán bộ quan chức. Hôm ngồi Kỳ Hòa, T. điện thoại
NT., nói đang đi miền tây gì đó gặp Q. không được, điện thoại PĐ. hứa 12, 13 sẽ
lên Sài Gòn, bây giờ điện thoại lại các “vị” đều hỏi Q. nào, đều… ụa, Q. mới về
hả. Thôi cứ ca hát với mấy bạn chân tình, đặc biệt 2 bà vợ của S. và T. rất đồng
cảm với mấy bạn già của chồng. Dù dàn Karaoke dở chứng, dù bạn bè say xỉn giành
nhau nói lớn tiếng không thua gì mấy bà “nậu” xóm Cồn Chà, Q. vẫn vui, vẫn cười
túm tím như thửa nào. Chở Q. về KS, chia tay ngắn vì không còn thời gian, tôi vẫn
cố nhắc hai ba năm nữa ráng về. Tôi và Q. vẫn chưa kịp ra thăm mộ L., chưa kịp
đi thăm một số Thày Cô và chưa kịp kể hết những gì muốn nói.
Sao cả đời tôi vẫn nhớ nét đẹp
tình cảm thâm thúy của những vầng thơ học được thời trung học PBC, như bài thơ
Tình già của Phan Khôi, hay bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến…
“ Bác
Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta…”.
Hay ai đó cứ nói,
nhất vợ nhì trời, giàu vì bạn sang vì vợ…, tôi thấy chưa đúng lắm. Các bạn 72
xa xứ, cứ về thăm, đừng sợ vợ sợ Trời, cũng đừng vì giàu nghèo sang hèn gì hết,
chỉ có tình bạn thời thơ ấu mới làm mình sống dai và sống tốt hơn. Các bạn còn sống
ở VN, bớt nhậu để còn sức khỏe và dành nhiều thời gian tâm sự với các bạn mình.
Phạm Sanh, 72PBC