Vu lan, lại nhớ Mẹ, nhớ gia đình,
nhớ bạn bè Thày Cô. Tháng 7 Âm lịch, tháng đầy ý nghĩa tình cảm với người Việt,
lễ Vu Lan báo hiếu với những chiếc bông hồng xinh xắn cài áo nhờ công Thày Nhất
Hạnh và Nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ, tháng cúng Cô hồn xá tội vong nhân, tháng mưa dầm
đầy nước mắt của ông bà Ngưu Lang Chức Nữ. Chắc tôi phải viết thêm mấy chuyện yếu
lòng đọc chơi cho vui.
Rồi hai đứa em gái cũng quay lại
trời Tây, đêm trước Bảy đi, dắt theo bé Nhi, vợ chồng Tám ra tiển chị lẫn đứa
con gái 12 tuổi, mẹ con của Chín cũng ra phi trường. Sân bay vắng người, mà đại
gia đình đi tiển cũng vắng dần, Ba mất, Má lãng, anh chị em loãng. Tôi nhìn mấy
đứa em gái nhỏ nay có đứa đã tóc bạc, nhìn mấy đứa cháu hồn nhiên, ráng không lộ
ra nỗi buồn. Đêm sau đó, lại tiển Chín và bé Khang, phái đoàn đưa ra phi trường
lại vắng người hơn nữa, chỉ còn tôi và Tám. May, sân bay TSN hôm đó lại đông
người, ngập đầy các bé gái, đúng ra là các thôn nữ Đồng Tháp, ốm nhách nhỏ con
trong bộ đồ đồng phục đi lao động cho công ty điện thoại di động HTV Đài Loan,
mẹ cha anh chị em gọi nhau ới ới, vui ơi là vui. Thôi, làm công nước ngoài vẫn
còn khá hơn, đở nhục hơn đi kiếm chồng.
Nhớ trước 75 lần đầu ra phi trường
TSN tiển nhau, ai đó cứ nhìn tôi mà khóc, làm tôi cũng phải bật khóc. Hai đứa đều
ấm ức, nhà bên đó quá nghèo, hai đứa còn chập chững những năm đầu đại học, có
được học bỗng đi nước ngoài, tình cảm tuổi 18 chưa đủ sức mạnh kéo lại nhau.
Hoàn cảnh chiến tranh không cho phép tôi du học, tuy chẳng muốn xa nhau nhưng
trong thâm tâm, tôi vẫn muốn người đó có cơ hội học lên. Ngày đi chơi cuối của
hai đứa với hai người bạn khác thành 2 cặp cho đở ngượng, dưới bóng mát các gốc
cây xà cừ cổ thụ, nhìn hoa mười giờ, đọc các câu thơ tình ghi trên các ngôi mộ đôi
tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi…, cô ấy hỏi nhẹ, hay là em ở lại, tôi làm thinh, dại
nhất trong đời.
Gia đình cứ để yên cho hai đứa. Cứ
khóc, cứ hứa hẹn, ráng chờ bóng chiếc máy bay phản lực mất hút trên trời xanh mới
thui thủi về cư xá nằm một mình… Rồi biến cố 75, thư từ tin tức mỏn dần, chuyện
di tản, vượt biên, nộp vàng phương án 2, tôi đều không nắm cơ hội, tình xa dần
theo bóng chiếc máy bay. Cứ đổi thừa số phận nhưng thật ra vì gia đình ba mẹ em
út, tôi thường lưỡng lự, đến khi quyết định lại không may. Cả đời chỉ biết ham
học, lại vướng cái nguyên lý cơ bản, nhất cự ly nhì tốc độ. Mối tình thời trẻ đã
bay xa, xa thật xa, chỉ còn là dấu ấn theo nếp nhăn ngày tháng, tôi hứa không
bao giờ đi tiển người nào nữa, tiển ai ra phi trường lo sợ mất luôn người ấy.
Ngày Chín, rồi Bảy đi nước ngoài học, tôi không tiển là vậy. Vậy mà mấy đứa vẫn
đi luôn, định cư rồi chồng con ràng buộc, thỉnh thoảng về thăm ba mẹ rồi lại
đi, để tôi lại có dịp đưa tiển, lại nhớ về người cũ trường Phan xứ Phan năm nào.
Phải chi được như Ngưu Lang Chức Nữ.
Lại nhớ về Thày Hiển dạy toán,
trùng tên một ông Thày Hiển dạy Việt văn. Ông Thày chuyển từ trường Thiếu Sinh
Quân Vũng tàu về PBC, bạn anh rễ Bùi văn Sang, cao nhòng ốm nhách, mặt trắng mắt
sáng hiền khô, tay cầm cây bút ăng ten kéo ra thụt vào mỗi khi dạy toán cho học
trò. Tôi rất ngưỡng mộ Thày, vì các bài toán Thày cho làm đều khó, nhưng có cái
gì hay hay, bắt mình phải có lý luận logic, không một chiều như các bài tập
trong nhiều sách toán khác. Sau này mới biết Thày thường dịch từ cuốn La Bosse.
Gần ngày thi tú tài, Thày cho các bài toán khó dần, lấy từ các đề thi tuyển hóc
búa vào các trường đại học nỗi tiếng ở Pháp. Năm 72, thi vào Sư phạm nhị cấp
ban toán tại trường Gia Long, tôi ú ớ sao đó mà không xem kỹ thời gian thi, cứ
tưởng là 3 giờ nên mãi mê làm câu toán khó, chưa xong câu nào, ông Thày coi thi
báo chuẩn bị nộp bài, chỉ còn 15 phút. Hoảng hốt, xem lại đề thi chỉ cho 90
phút, đúng là sắp hết giờ. May quá, có một câu trúng tủ của Thày Hiển, tôi viết
liền một mạch không cần làm nháp. Nộp bài nghĩ chắc chắn rới, ra phòng thi gặp
mấy cô bạn B3 không giám nhìn, tức mình đi bộ mấy cây số về nhà dì Hai. Lần thi
đó, tôi lại đậu, dù chỉ làm một câu, có lẽ nhờ Thày Hiển. Hay không bằng hên.
Nhắc về Thày Hiển không phải để
nói về chuyện toán học, nói về cái tâm của Thày, mà vì Thày có cái gì đó giống
giống mình trong chuyện tình cảm. Nếu ai tinh ý, khuôn mặt Thày bao giờ cũng buồn,
cười mà vẫn còn thấy buồn. Có hôm ở nhà Thày, được nghe Thày kể về mối tình đầu
không thành, tôi buồn theo, thắc mắc sao mấy người lớn lại cứ tan vỡ mối tình đầu
y chang mấy câu chuyện tiểu thuyết lãng mạn, tự hứa mình chỉ một người, một và
chỉ một mà thôi, và mong Thày thắng lợi cú sau. Kết quả mấy bạn thấy rồi đó,
Thày Hiển thêm một mối tình vắt vai nữa, chắc cú vì đó là học trò tại chỗ của
mình, nhưng vẫn trật tiếp. Tôi, học trò ruột của Thày, hứa hẹn đầu tiên cũng bắt
nguồn từ các bài toán khó của Thày, giải cho cô ấy, nên chuyện thất bại… cũng
là chuyện bình thường. Đừng tin vào mấy thằng cha nói láo với vợ, em là mối
tình đầu, em là mối tình cuối. Đàn ông, hình như cả đàn bà, trên thế giới này đều
dối nhau về chuyện tình cảm dại dột, chỉ có dối ít hay dối nhiều mà thôi, giống
như mấy ông Bác sỹ đoán bệnh ung thư, nếu không dối đã không có xã hội loài người
đông đúc vui vẻ như bây giờ.
Lại nhớ về bóng dáng Thầy Ân,
khoác áo nâu sầm về chốn xứ Phan, chắc cũng từ một khúc tình duyên lận đận nào
đó. Mới đây có dịp tiếp xúc người thân của Thày ở Huế vào thăm, mới biết với
Thày, gia đình, sự nghiệp danh vọng chỉ là những bong bóng mưa dai phập phồng
trước một bóng hồng hư ảo tồn tại suốt đời.
Thương Thày, hiện nay mỗi khi dạy sinh viên môn quản trị rủi ro, tôi đều đem
chuyện tình cảm làm ví dụ, tán gái sợ gái bỏ, sẽ có 3 phương án, hoặc là bỏ
gái, hoặc là bớt sa lầy mê muội, hoặc là san sẻ rủi ro cho ai khác. Về lý thuyết,
thế giới khuyên bạn chọn phương án san sẻ, nhưng theo kinh nghiệm đời thường, tôi
nghĩ, nhiều khi “tẩu vi thượng sách” là giải pháp hay nhất.
Rồi mối tình Thày Hiền với học
sinh, ông Thày dạy Việt văn người Huế giọng to rổn rảng mà tôi nhớ
hoài nhờ mấy câu thơ có mùi rượu, …Em ơi lửa tắt bình khô rượu, Đời vắng em rồi
say với ai… Cũng không thành công, thua vẫn là thua, dù Thày có say, có cố gắng
hát thì thầm bài ca con đường Duy tân cây dài bóng mát (con đường rất nhiều anh
tài 72PBC đi qua và ở trọ !!!). Hầu như chuyện tình các Thày và các trò ở trường
Phan Bội Châu đều không thành, hay là do tỉnh lẻ một người ho cả họ đều biết, hay
tuổi tác chênh lệch, hay một chữ cũng là Thày mà nửa chữ cũng là Thày, sau này
về nhà ở chung làm sao cải lộn, chả lẽ mắng Thày “hư”. Đã vậy, quê nghèo hết
gió nồm đến gió bấc, không có bốn mùa xuân hạ thu đông sinh cảnh hữu tình, đi
chơi chỉ năm ba chỗ quanh quẩn Gia Long Nguyễn Hoàng Vĩnh Thủy Mủi Né Đá dựng
chùa Hang, ai cũng dễ bắt gặp, kỳ chết.
Thống kê chuyện tình thày trò khó
thành công, tôi chỉ chịu trách nhiệm về tính chính xác ở trường Phan xứ Phan
lúc nhỏ, còn ở trường khác xứ khác…, tôi không dám chắc. Nói vậy, để nếu các bạn
nào đó ở xa đọc được bài này, phải cố gắng giám sát thường xuyên đối thủ là chắc
nhất, để khỏi mất cái không thể nào kiếm lại được y chang. Nhớ, trên đời này, không có điều gì là không thể xảy
ra.
Sau này, lên đại học và đi dạy,
chuyện thày không được tán sinh viên chỉ có ở những năm đầu sau 75, khi người
ta cố tưởng tượng người Thày cách mạng phải như vậy, chứ sau đó thì thoải mái,
thày trò đều là con người. Tuổi thày trò đại học, ít chênh lệch, tương lai nghề
nghiệp cũng rõ, lại thường sống xa nhà. Những năm tôi dạy đại học, lòng còn vấn
vương mấy cô láng giềng đồng hương đồng môn Phan Thiết, không chịu tìm hiểu
chuyện yêu đương thày trò, nghĩ lại cũng tiếc hùi hụi.
Chuyện Cô với học trò lại là chuyện
khác, yêu đương tùm lum chỉ có trên tiểu thuyết Nguyễn thị Hoàng. Các cô PBC rất
mến học sinh của mình, cô Bạch Thu Hà cứ nhờ bạn Lê văn Mão hát vọng cổ đoạn tuồng
Võ Đông Sơ…, cô Bạch Tuyết rất “thương” Cao Như Sơn vì học giỏi ca mùi, cô Quán
thích các nhóm bạn thuyết trình hay. Tôi thì “thương” hết các cô, hình như cô
nào dạy, tối nằm chiêm bao tôi đều tưởng tượng là mẹ của mình, thương nhất là
cô Tươi, một đời cái gì cũng lận đận. Lễ Vu Lan này, tôi lại nhớ về những người
Cô như Mẹ, lại nhớ về bông hồng đỏ và bông hồng trắng, Cô còn Cô mất, Cô khổ Cô
sướng.
Thôi, bớt nói chuyện tình cảm gia
đình Thày Cô ướt át mộng mị, nói về chuyện đời thường, kể về Sài Gòn đang thích
mang tên Hòn ngọc Viển đông cho vui. Về cá, về chim, về chó, về Pokemon. Về
cúng cô hồn.
Sài Gòn đang mùa Vu Lan, người
Sài Gòn ưa phóng sinh chim cá. Chim thì bay lên vài thước té nhào xuống mà chết
vì… đói. Con nào mạnh hơn, bay xa, cũng bị bọn trẻ bẩy ná dụ bắt, bán lại cho mấy
bà bán chim phóng sinh gần các chùa. Thông minh nhất là bay vào sân golf ngay trong
lòng phi trường TSN, quan tướng tá đại gia ăn chi ba cái con chim ốm nhách. Báo
hại, cơ quan Hàng không đang có phương án “xã hội hóa” hơn 1.000 tỷ đồng đuổi
chim bằng công nghệ FODetects. Thật ra chỉ cho phép bọn trẻ chuyên đi bắt chim
vào sân bay tập huấn cho cán bộ nhà mình, vài ngày là chim không còn lông mà
bay, không còn trứng mà ấp.
Chuyện phóng sinh cá cũng vui. Mấy
ông lãnh đạo thành phố cứ thích thả cá “làm sạch môi trường” xuống kênh Nhiêu Lộc
Thị Nghè, mỗi đợt lễ lạc vài chục triệu, một năm vài đợt, rồi cũng bị bọn thanh
niên rảnh rỗi ban ngày câu cá chích điện ban đêm, cá mẹ cá con nào mà còn. Mà nếu
còn, thì đầu mùa mưa, rác theo nước cống xuống kênh, giảm lượng oxy hòa tan,
con nào lỳ lợm lặn sâu xuống đáy, ngập bùn dơ rồi cũng ngộp thở mà chết, nỗi
lênh láng trắng cả dòng kênh. Mấy ổng hỏi mình, làm sao thả cá xuống kênh Nhiêu
Lộc vừa không bị chết mà cũng không bị bọn nó câu trộm, tôi nói chỉ có nước
nuôi cá sấu. Rất tiếc, không ai ủng hộ ý kiến của mình. Buồn thật như khi phải
xa Phan Thiết.
Lại kể về chó. Chuyện là TpHCM lấy đại lộ Nguyễn Huệ (Charner) làm con đường
thênh thang đi bộ lát đá hoa cương cho bằng
thế giới, na ná Champs d’Élise của Paris, nhưng copy mà không sửa thì kỳ.
Paris đi xe ở giữa, bộ hành mua sắm vui chơi
2 bên, Sài Gòn thì xe chạy 2 bên, đi bộ ở giữa. Ban ngày thì nắng nóng
chang chang vì vắng bóng cây cổ thụ, ban đêm thì không có vui chơi giải trí, chỉ
hóng gió đi tới đi lui một vài lần cho biết. Chỉ thấy Tây mới đến lần đầu và mấy
đứa tuổi teen là vui, có chỗ đi bộ không sợ bị chửi, không gian rộng rãi bớt ngộp
thở. Đã teen thì ưa bắt chước nhau trên mạng, quần phải ngắn củn , rồi phải dắt
chú cún đi theo. Mà chó cưng thì ưa thoải mái đái bậy, ưa dí mỏm hửi vào vùng cấm
ngườii lạ. Thế là lãnh đạo thành phố phải ra lệnh cắm dẩn chó đi bộ trên con đường
gần 500 tỷ. Nhớ lại lần đầu qua Lyon, thấy bảng quảng cáo hình vẽ chú chó đang
tè bậy, kèm theo câu … không có con chó xấu chỉ có người chủ tồi. Ở VN, cầy bị ra
quán nhậu là bình thường, chủ hay chó xấu tốt gì không cần tranh luận mất thời
gian như ở Tây.
Thôi, ra Tao Đàn bắt Pokémon vậy.
Mới xuất hiện ở VN vài ngày, nhưng dân thành phố thích săn lùng con vật này quá
sức tưởng tượng. Ngày đầu, Pokémon toàn ở trong các nhà vệ sinh nữ, làm mấy cô
nhịn gần chết. May những ngày sau, bọn thú vào Tao Đàn và Thảo Cầm Viên. Sở thú
ban đêm thì đố ai dám vào bắt Pokémon trong mấy cái chuồng toàn là cọp cái, dả
nhân, vì vậy chỉ còn ra Tao Đàn, đi nhiều người từng nhóm để khỏi bị bọn đểu giựt
dế xịn. Qua chuyện này, mới thấy người thành phố rảnh thiệt, 12 giờ khuya vẫn
còn đông nghịt người trẻ già trai gái. Phải mà say mê học hành, lụi cụi công việc
như say mê bắt Pokémon tìm Pokéstop, thì năng suất lao động VN làm sao gần chót
thế giới, đến nỗi thua cả đàn em Kampuchia.
Thôi, hết ý rồi, lần sau viết tiếp.
Mấy bạn 72 đọc có gì không đúng, bỏ qua, vì toàn là chuyện viết bậy bạ cho vui,
mười phần thì chín phần sai, chỉ một phần hơi đúng. Mấy bạn ở xa, nhớ về VN
thăm bạn bè, mới được nghe chuyện thật hơn. Rằm tháng bảy, đang tưởng tượng tặng một
bông hồng cho mấy bạn 72 của tôi còn sống.
Phạm Sanh, 72PBC