Ông Bà Ngoại tôi có 11 người con, cậu Chín mất sớm, còn lại 2 trai 8 gái. Con đông cứ đặt tên đánh số thứ tự Hai Ba Tư Năm Sáu…, đến khi nào hết số. Sau này mấy bà dì đẻ nhiều, cũng đặt hết số. Dì Hai cũng Hai Ba Tư…, dì Ba cũng Hai Ba Tư…, và mẹ tôi không ngoại lệ. Bà ngoại sinh con dày, bệnh mất sớm. Lúc Bà mất, ông Ngoại và dì Hai đang đi về Phan Thiết lấy thêm tiền bạc đồ đạc gì đó, tụi Tây nhà thương Grall định đưa xuống nhà xác, báo hại mẹ tôi và cậu Vân nước mắt đầm đìa ôm chân Bà cứng ngắc để thằng Tây đen mủi lòng thương mấy đứa con nít không đem Bà đi được. Mẹ nói, mẹ học nghề cô mụ cũng từ cái chết của Ngoại. Còn cậu Vân học nghề bác sỹ, không biết phải từ âm đức của Ngoại hay không, tôi chưa hỏi Cậu, mà nếu hỏi chưa chắc Cậu nói, mấy Cậu rất hiền ít nói, mấy Dì cũng hiền nhưng nói hơi nhiều. Ở Phan Thiết, nói con gái ông giáo Lành, mấy gia đình “danh gia vọng tộc” ai cũng khen và muốn làm quen.
Mất bà Ngoại, dì Hai thay mẹ trông nom mấy em. Ông Ngoại bước thêm bước nữa, nghề giáo, cảnh gà trống nuôi cả bầy con nhỏ cũng khó. Bà Ngoại sau góp thêm một ông Cậu hai bà Dì, ông Ngoại hết số nên đặt tên theo chữ. Mẹ nói bà Ngoại kế tốt lắm, không có cảnh mẹ ghẻ con chồng như người đời thường ca cẩm. Rồi dì Hai gái lớn cũng phải đi lấy chồng. Tới dì Ba, dì Tư…, nhà nào làm xui đều môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Mấy người con muốn “canh tân cải cách”, trai hay gái, Ngoại ghét lắm không thèm dòm mặt dâu rễ, như dì Năm, dì Sáu, cả má tôi và Cậu Vân. May nhờ lúc nhỏ, Ba tôi ưa chun rào qua nhổ tóc sâu ông Cố ngoại dụ Ông kể tích xưa, nên sau này ông Ngoại châm chước bỏ qua.
Ngọại cũng phong kiến lắm, chỉ quý con trai. Bầy cháu ngoại, chỉ biết mấy đứa trai đầu như tôi, anh Hai con dì Hai, thỉnh thoảng có anh Cu L., anh của chị Bảy ké vào mua rượu ông già chống gậy cho Ngoại những lúc tôi vắng. Sau này khi tôi vào Sài Gòn học đại học, dì Năm từ Cần Thơ về PT ở, cũng đi mua rượu tây cho Ngoại mà bị tai nạn oan uổng. Vậy là tôi mất người dì đầu tiên. Hôm đó ở cư xá Phú Thọ, Huỳnh Sáu mới từ PT vào cho hay gấp, đi ngang nhà thấy có đám tang, tôi chết điếng, đi vội xe đò Hiệp Thành về mà cứ khóc tức tưởi dọc đường. Trong đám cháu ngoại, tôi sống với các Dì các Cậu từ bé khi Ba Mẹ còn đang khó khăn bươn chải trăm bề. Sau cái chết dì Năm, thật lâu mới đến dì Sáu, bà dì khổ nhất và dì Ba, bà dì đẹp nhất nhờ giống bà Ngoại. Trong đám con, dì Hai, má tôi, cậu Tám giống hệt ông Ngoại, mặt xương nghiêm nghị nhưng hơi thô, không được đẹp như mấy người con khác.
Dì Hai giỏi lắm, nuôi bầy con cả dượng Hai (tôi kêu bằng dượng Mười) lúc dượng “hết thời”. Nghe nói, lúc trước dượng Mười phong lưu lắm, phải đẳng cấp mới gặp được dì Hai công dung ngôn hạnh. Thời gian ở với gia đình dì Hai, nhớ mãi dượng Mười sai bọn tôi đi mướn truyện chưởng Kim Dung chỗ ông già Trần Thanh Lê về luyện, võ công tôi sau này thâm hậu là nhờ coi ké dọc đường. Dượng rất khó tính, dì Hai nấu cơm phải bên khô bên nhão. Người bị dượng Mười đánh nhiều nhất khi dượng dạy luyện thi đệ thất cho mấy đứa là anh Sơn, vì sắp đánh là anh chạy nên dượng giận đánh thêm, chị TS không hề chạy, tôi thì dượng ít đánh hơn chắc nể em vợ. Sau này dượng Mười vài Sài Gòn, chuyện gì đến phải đến. Dì tôi lâm vào cảnh đàn bà đi biển mồ côi một mình, chịu đựng nhưng Dì kiên quyết dứt tình, đúng là con gái ông Ngoại. Có những lần, dì đi bộ xuống nhà bà nội tận Đức Long để xin vài bó lá cẩm bạc hà vài nhúm lá me. Giá mà bà Ngoại đừng mất sớm thì dì tôi không khổ tâm như vậy, phải nghỉ học sớm bỏ bầy em đi lấy chồng, phải thay mẹ trông em, rồi nuôi cả cháu.
Dì Hai nấu ăn rất ngon, nghe má nói nhờ bà Ngoại nên mấy dì lớn dì nào cũng phải biết nấu ăn, tam tòng tứ đức. Có lúc, dì Hai và má tôi nhận thầu nấu ăn cho căn tin đông người, còn chuyện nấu đám nấu giỗ thì quá bình thường. Mấy chục năm, ăn cao lương mỹ vị gì cũng không thấy ngon bằng canh chua cá kho do dì Hai nấu. Trong nhà dì, hình như chỉ có chị Tư là nấu ăn ngon giống dì, chị Bảy thì chưa biết.
Những người con của dì Hai sau này đều học PBC và thành công. Nhớ có lần dì nói với mẹ, anh Ba qua Canada không lo học cứ đi chụp hình ở trần ở truồng với con đầm nào đó, xem hình mới biết là Jane Fonda. Về già, Dì nhờ con vì Dượng ra đi không trở lại. Mong Dì yên nghĩ vĩnh hằng bên dốc cát hàng dương, sum họp đầm thấm với đại gia đình bên Nội bên Ngoại, người thân bạn bè.
Về thắp nhang cho dì Hai, tôi vẫn miên man không biết dì nào sẽ đi tiếp, ai cũng yếu hết, má tôi, dì Mười lớn và cả dì Tư. Chắc phải nhắc về dì Tư, vì sau này không biết có cơ hội viết về Dì hay không. Trong đám con gái ông Ngoại, chỉ có dì Tư và má tôi là được cho vào Sài Gòn học trường Áo tím, nhưng đầu tóc phải cắt bum bê giống con trai, Ngoại vẫn mơ ước có con trai. Chồng dì Tư là ông Chín chú của Ba tôi, lúc nhỏ lên nhà Dì, Dì bắt xưng hô kêu là Bà Chín. Về nhà, nghe kể lại mẹ giận nói, bả là chị tao chứ không phải thím tao, nhờ tao bả mới lấy được ổng. Rắc rối, hai chú cháu lấy hai chị em. Dì vẫn là dì mà ông vẫn là ông. Mấy đứa em nhỏ sau này đều nhờ ông Chín và dì Tư dạy dỗ, cả dạy học. Mong dì Tư sống dai hơn dì Hai. Mong ai cũng sống dai hết, để tôi không còn cảnh vội về PT, ngang qua đèo Mẹ bồng con ngang núi Chứa Chan, cứ nhìn mấy cây chuối rừng nhìn mây mù bao phủ mà nhớ về kỹ niệm thời còn nhỏ, nhớ đến mấy Cậu Dì.
Viết vội vàng như thấp thêm nén nhang cho Dì Hai, người nuôi nấng tôi một thời như mẹ, cũng là mẹ của 3 người khóa 72PBC (DV Sơn, Thúy Sương, con dâu trưởng Ché Mùi), có gì mong mấy bạn 72 bỏ qua nếu kể lễ nhiều quá.
Phạm Sanh, 72PBC