Saturday, November 18, 2017

Tôn Sư Trọng Đạo - Phạm Sanh PBC72

  Hình năm 1973 lớp bồi dưỡng Sư Phạm (hình Nở Nguyễn, ghi chú Tương Nguyễn PBC72)
Hàng đứng: áo ngắn: Lan (tèo) - quên tên-Nguyễn hồng Hoa, Thu Cúc (Bồ Đề)-quên tên. Hàng giữa: bạn ngồi giữa tên Hương LL72 . Hàng đầu tiên Ái Liên,Nguyễn thị Hai A2, Rớt, quên tên, Bốn, Đỗ (chị của Vui), Trần Liễu, và Nở đứng bìa

Sắp tới 20/11, viết nhanh về nghề tháo giày, bởi mấy bạn lứa 72 làm thày giáo nhiều lắm, thao thức mấy đêm còn chưa nhớ hết, “độc hại” thì có TS, TVH, NQT, HVT, HS, “đau cẳng” có TPS, NDHD, NTM, “dứt cháo” có TVB, NVT, BTD, ĐTB, DVS, TTP, VTT, MHT, LTS, NVT… Tôi phải nhanh tay, kẻo có đứa giành viết trước.
Chọn nghề thày, có lẽ lúc nhỏ đi học, hình tượng Thày Cô là số 1, không có số 2. Hơn nữa, dễ ba sạo và dễ hù dọa mấy đứa nhỏ. Có bạn nói là nghề cao quý, nhưng tôi chưa tin lắm, chỉ thấy nghề đi dạy nhẹ nhàng mà lại dễ “có” tiếng, nói theo ông Pareto bên Ý đúng phóc nguyên tắc 80/20. Nhớ hình ảnh Thày Ân áo nâu sòng ta ta mi mi học thuộc như con vẹt là được, hình ảnh Thày Hiển mắt nhìn cuốn Le Bossé tay kéo dài cây cần ăng ten giọng nhỏ nhẹ mấy em làm bài này… Nhớ cô Quán, cô Tuyết, cô Thu Hà, cô Đào, cô Hương, cô Ngọc, cô Lệ… thướt tha tà áo dài hiền từ như các người mẹ. Rồi các Thày lớn tuổi như Thày Kỳ, Thày Bảo, Thày Châu…, ai cũng trang nghiêm như người Ông của mình. Lúc đó và sau này, chỉ có lũ học trò là vô tư nghịch ngợm, chỉ sau Ma và Quỷ. Có hôm học Thày Ba dạy vạn vật, cả lớp ho, Thày hỏi sao vậy, cả đám đồng thanh trả lời ho gà, cả lớp cười ồ, Thày cũng cười theo, sau này biết, Thày hơi giận. Có buổi chờ Thày Tùng vào lớp, chợt có tiếng gọi … của mấy anh chị lớp 71 học trên lầu, Thày nhìn lên thấy loáng thoáng ông nội em của mình, Thày bước vào lớp hơi thoáng buồn, lớp hơi ác lại thấy vui. Có lần lớp tôi đến lượt hát quốc ca, Thày Cô học sinh cả trường đang nghiêm trang chào cờ, gần nửa lớp bỗng chuyển sang hát bè nhái theo bản Apache, cả trường cười ra nước mắt, ban giám hiệu giống ngậm bồ hòn, phải chờ hát xong mới giận dữ kêu hỏi từng đứa, không ai chịu khai cả mấy thằng bạn con các Thày giám thị, thế là cha mẹ được mời lên trường làm bản cam đoan cho biết thế nào là lễ độ, có VC xúi giục gì không. Tôi phải về năn nĩ Mẹ, bảo lãnh hộ cho mấy đứa bạn ở xa, Mẹ chỉ cười và khăn gói đi thẳng lên phòng hiệu trưởng.
Nhớ nhiều thời trung học PBC nhờ thêm biệt danh vào tên bạn như P. con, H. đại đội trưởng, S. khùng… hoặc dễ phân biệt bằng tên cha mẹ như Phúc L., Phúc D… Hết nghịch bạn đến nghịch Thày, Thày nào cũng có bí danh, như các tên B. g…, Â. c…, T. đ…, T. b…, H. x…, T. k…, C. b… Rồi có khi nhờ Thày mà đặt tên như bạn J’en n’ai deux. Vui buồn đều có, thậm chí nhớ lại có đứa còn bị Thày la hét, bạt tai, nhưng chả ai “thù dai” chuyện này cả Thày lẫn Trò. Tôi nhớ có xem đâu đó trên trang hội ngộ, chuyện nói về Thày Lê Tá, kết không giống suy nghĩ của mình, hơi đâu mà oán giận Thày Cô. Cuộc đời giống con nước Cà Ty lên xuống theo ngày, vài ly xây chừng là quên hết.
Cái thuở mới bắt đầu làm thày giáo trẻ thật khổ, ăn lương tập sự 85%, ngồi 8 tiếng soạn bài giảng với đống sách tiếng Nga chán phèo, cùng cô thư ký làm công việc nhận nhu yếu phẩm về phân chia cho bộ môn, chỉ mong lên lớp phụ giảng với mấy Thày lớn tuổi cho bớt stress. Nói phụ giảng cho oai, chứ thật ra lên lớp để các Thày chỉ vẽ xưng hô ăn nói như thế nào, tay chân đặt ở đâu để không dư thừa, cách “xạo” bọn nhỏ như học thuộc lòng công thức như cháo hay nhớ tên họ quê quán từng đứa để gọi tên cho thân mật. Chán nhất là gặp SV nữ nhỏ hơn mình vài tuổi lại không được cười, chỉ nhếch mép chào lại khi hắn nghiêm chỉnh cúi đầu chào mình, nhìn thẳng vào mặt không được mắc cở nhìn chỗ khác lộn xộn. 

Vì vậy, tôi thích dẩn SV đi ra ngoài thực tập hơn, một công đôi ba chuyện. Lần đầu làm thày, dẩn SV về Cần Thơ thực tập sửa chữa cầu Cái Răng làm cầu Ngã Bảy, ban ngày đi công trường, cuối ngày về Bình Minh ở láng trại theo công nhân. Tắm, lội qua bên kia sông Trà Ôn, thấy dân trên bờ bên ni đứng đầy, tưởng tôi tự tử,  vỗ tay hoan hô quá trời, nhỏ lớn chưa từng thấy đứa nào dại bơi qua sông. Ăn cơm chiều xong, leo lên tầng trên chiếc phà qua lại Cần Thơ, ngồi nhìn lục bình trôi từng dề trên sông Hậu giang nhớ về quê hương Cà Ty PT, đến khuya thì bác nhân viên già đuổi lên bờ, hết giờ phà chạy, về chun vô mùng ngũ né muỗi đang thổi sáo vo ve. Cảm giác nhớ đời lần đầu đi cầu tỏm, cầu 2 ngăn cách nhau bằng những tấm lá dừa mỏng cao chừng bốn tấc, đang ngồi dụ cá, một cô gái tà tà đi vào lạnh lùng… ngồi xuống, tôi run nín thở không dám động đậy, chờ cô ấy đứng lên… đi xa dần. Lần sau đi cầu, tôi năn nỉ một đứa nam SV, nó chỉ có nhiệm vụ ngồi chung giành chỗ, một tô hủ tiếu và một ly bạc xỉu cho một lần như vậy. Mỗi đợt dẩn SV đi thực tập miền Tây, về lại trường, tôi lại được đón như ông hoàng, dù khuya đến đâu mỗi bộ môn một bà, chờ chia gạo mua được theo giấy giới thiệu xe trường chở về. Ôi, thời bao bố.

Nhớ tình cảm mấy Thày Cô PBC, tôi quý và sợ học trò suốt đời, chả dám cho đứa nào rớt trừ trường hợp không có bài thi hoặc thi bỏ giấy trắng, chỉ cần viết tràn giang đại hải chữ viết càng xấu càng tốt để mấy ông bà đào tạo khảo thí không xoi mói là tôi cho 5 điểm. Lúc nhỏ, mỗi lần thi đều vái ông Nội, dù ông tôi chưa học qua mẫu giáo, vậy mà ông cũng phù hộ không rớt. Lúc nhỏ, cứ mỗi năm mỗi đợt thi chuyển cấp là một số bạn lại chia tay, tôi không muốn ai phải rớt, không thích cảnh chia ly, mấy bạn thấy đấy chia ly rồi cũng phải hội ngộ. Năm qua Pháp học tiếp ở INSA de Lyon, thấy Thày Trò tụi Tây cũng khá cởi mở, ra Parc de la Tête d'Or ngồi học, chán còn rủ nhau tắm truồng ở Parc Miribel Jonage , chuyện thi cử nhẹ như chiếc lá maple cuối thu rụng đầy bờ hồ. Cũng chưa dám hỏi GH, ở Nice có các cảnh này không. Thày Tây cũng như Thày Ta, đều yêu quý và muốn học trò thành đạt nên người.

Lúc học đại học, lứa 72 lại được học 2 types Thày, Thày trước 75 và Thày sau GP. Những ông Thày trước 75 thường được đào tạo từ lò Tây Mỹ, mấy ông sau lò TQ LX. Những Thày đi Tây Mỹ về lại VN thường vừa đi dạy vừa làm công chức cao cấp hoặc chủ công ty lớn, sang như Tây giỏi như Mỹ, như Thày Phan Việt Ái (Alan Phan, vừa mới mất ở Mỹ) dạy cấp thoát nước, Thày Đặng Đình Áng, Thày Võ Thế Hào dạy toán… Thày Cô sau GP, thường người miền Nam tập kết, hiền và ai cũng muốn chứng tỏ LX không thua Mỹ, TP không thua Tây, mới có bài thơ Tố Hữu, trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ LX tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ??? Nét chung, hai thế hệ thày cô đều thương học trò, chắc do đặc điểm nghề nghiệp, và đều có nỗi niềm riêng về … một thời lý lịch.
Nhiều Bạn nhận xét giống tôi, bạn thời trung học là quý nhất, sau đến bạn tiểu học, chót là đại học, còn sau đại học thì khỏi bàn. Có thể giải thích, đại học cùng nghề nghiệp, phải cạnh tranh chen lấn khi ra trường, gặp nhau lúc đã trưởng thành mưu mẹo tính toán bắt đầu chớm nở. Tiểu học thì còn bé quá, chỉ lớn hơn tuổi mẫu giáo một tý, nhà cách nhau cái giậu mùng tơi, xanh lè thấy hết nên chán. Trung học tuổi mới lớn, biết nhau tới bảy năm dài dằng dặc, qua nhiều đợt chia ly hội ngộ, chưa có gì để vụ lợi suy nghĩ bậy bạ, trừ một số rất ít gặp hên thành cặp đôi lý tưởng như P-T, T-M, S-H, T-T, T-S… Dùng ánh xạ hay phép chiếu gì đó, Thày Cô cũng gần gần như vậy.
Trong sự nghiệp đưa người qua sông, cứ thấy lặp đi lặp lại, SV những năm cuối làm đồ án tốt nghiệp, đứa nào cũng cảm động nói trong nước mắt, ra trường con sẽ điện thoại thăm thày mời thày đi nhậu uống cà phê. Gần 40 năm nghề đi dạy, gỏ đầu phải cả chục ngàn đứa, đếm lại chỉ lác đác vài em, rủ thày uống cà phê để nhờ thày tìm việc trong đợt kinh tế mấy năm khó khăn vừa rồi. Chỉ mấy lớp lớn tuổi các khóa 77, 78 sắp về hưu, họp mặt ưa rủ thày. Thôi, có còn hơn không, học trò nhớ tên mình biết mình còn sống là mừng lớn phúc đức lắm rồi.
Trách chi trò, thày cô thời này cũng kỳ, ưa hù dọa học trò bán điểm, có ông tiến sỹ TTV trường TC Maketing, nổi tiếng trên mạng, cho điểm thi tính bằng chai tại nhà hàng. Loại này nhiều lắm, khi giáo sư tiến sỹ VN ra đường là gặp, trường đại học cao đẳng mở ra như cá cơm nổi trắng biển buổi sáng năm xưa ở quê mình. Quên, Phan Thiết cũng có một trường đại học tư thục, do một ông chủ nhà hàng gì đó người SG mua xác nhà cổ làm resort, tận dụng chơi luôn làm trường  gần Phú Hài.

Nói gì nói, một chữ cũng là Thày mà nửa chữ cũng là Thày. Dân PT mình lại có truyền thống ham học, mà lại ca hay học giỏi nhờ ăn nhiều cá. Nhờ Thày Cô, học sinh PBC cũng nhiều người ăn nên làm ra, nhiều nhạc sỹ ca sỹ như NT, TT, AK…, và nhiều doanh nhân nhà khoa học kỹ sư bác sỹ đang âm thầm ẩn danh như những con chim ẩn mình chờ... Hiện nay, PT ngoài PBC lại có thêm trường chuyên Trần Hưng Đạo (khu vực Chính Tâm cũ), nhiều đàn em sau này siêu lắm, nhiều tiến sỹ thành công trong và ngoài nước. Mong sao PBC giữ được truyền thống tôn sư trọng đạo, có trên có dưới, chứ đừng kiểu họp mặt hàng năm để xin tiền, tôn vinh mấy ông quan chức cán bộ, nhỏ chuyên trốn học rải truyền đơn đặt mìn đặt bẩy.


 Phạm Sanh,  P3/B2 72PBC