Sunday, October 25, 2015

Nghề Kéo Lưới Rùng

Giấy khai sinh ghi quê quán tôi ở Đức Long, nơi có ngôi đình làng Tú Luông cổ xưa nhất Phan Thiết (được xây dựng từ giữa thế kỷ 19). Nhưng lúc nhỏ khi chỉ đường cho mấy bạn đến quậy phá, để dễ tìm, thường nói nhà ở Xóm Câu Bia Đài. Tấm bia bằng đá xanh được quan Tuần vũ Ngô Đình Diệm (sau này là Tổng thống) dựng năm 1933 để ca ngợi tinh thần hiếu học người dân Phan Thiết và vinh danh những nhà hảo tâm tài trợ tài chính cho phong trào thanh niên xứ Phan du học ở Tây lang sa, trong đó có ông “tổ” hàm hộ Trần Gia Hòa (Bác xì). Đáng tiếc, đến năm 1980, ai đó ra lệnh đập bỏ công trình này, thay bằng một cây xăng tư nhân hiệu Đồng Lợi. Hiểu sai nghĩa câu “văn chương không bằng xương cá mòi”, thật oái ăm cho những người không thích học.


Trước thời Tự Đức, nhánh chính sông Cà Ty ra biển nằm tại khu vực các làng Thuận Đức và Tú Long (nhập lại thành Đức Long), sau bị bồi lấp. Đợt lũ lịch sử Nhâm Thìn, nước phải tràn qua Đức Long và Lạc Đạo để thoát ra biển. Dân làng Xóm Câu chuyên nghề biển, riêng người nghèo, xa xứ đến còn phải đi phát rẩy tận Bình Tú Ba Hòn kiếm thêm khoai lang khoai mì những lúc trời động hoặc những năm biển mất mùa. Lúc còn con nít, cá tôm mực ghẹ nhiều lắm, mùa gió nồm có những buổi chiều cá cơm nổi đầy mặt biển, người ta lấy rỗ xúc là có, về ăn không hết phải phơi khô làm nước mắm. Mùa gió bấc, đi câu giằng thúng, hay cào chang chang chang chép đến Hòn Cụt Hòn Dài, bán mua gạo mua rượu đủ uống nghêu ngao đờn ca vọng cổ bài chòi suốt ngày. Nhà Nội tôi ăn lưới rùng, nghe Ba Mẹ nói nghề lưới rùng có từ đời hai bên ông Cố, Cố Nội và cả Cố Ngoại. Có lẽ, Ông Bà tôi đã ăn sâu vào máu câu ru “Gỏi nào ngon bằng gỏi cá mai, trai nào lịch sự bằng trai lưới rùng”.




Lưới rùng là nghề đánh bắt tôm cá ven bờ, ghe chèo tay không gắn động cơ, tờ mờ hừng đông đã chèo ghe ra khơi tìm cá, bình minh bắt đầu rãi lưới, có người nhảy xuống nước đưa 2 đầu chạt vào bờ, sau đó trên bờ biển hai hàng dây người đi thụt lùi vừa kéo vừa thu lưới khép góc đưa đảy cá từ từ lên cạn. Nhưng từng vùng biển ngang, mùa cá lại xuất hiện khác nhau trong năm theo dòng nước và con gió, các chủ lưới rùng lớn phải đi xa gọi là “chạy lựa”, ghe gắn buồm và có người ngồi ganh, giống na ná hình ảnh đua thuyền buồm quốc tế hiện nay. Có lần, ghe nhà sắp chạy lựa, tôi cứ ấm ức ngồi khóc, Ông lén Bà cỏng tôi lên vai, lội ra ghe, cho tôi đi theo từ Cửa Cạn, Động trắng,Tam Tân, Cù My đến tận Bình Châu. Nhờ chuyến “phượt” này, biết được câu chuyện Thày-Thiếm khi ông Nội cỏng tôi lên Dinh bàn với Ban Tế Tự chuẩn bị Lễ Thày và hiểu thêm các mẫu chuyện về nghề lưới rùng.


Nghề lưới rùng thường có 2 ghe, ghe tới và ghe lui (vẫn chưa giải thích được cặp từ này, sao không là vợ chồng, anh em, đực cái… gì đó), hổ trợ nhau khi chạy lựa, khi trúng đậm các đàn cá quá lớn. Xưng hô trong nghề cũng rất thân thiện, chủ ghe thì xưng là “thợ”, người làm công được gọi là “bạn”, tài công hay ghe trưởng gọi là “chèo dọc”, cá lên bờ thì “vợ thợ vợ bạn” chia nhau ăn hoặc đem bán chợ. Phân công và ăn chia khá sòng phẳng, làm theo năng lực hưởng theo năng lực chứ không thể làm biếng mà lại muốn hưởng theo nhu cầu. Trên ghe lưới rùng bao giờ cũng có một bạn lặn, lặn nghe cá kêu, biết cá gì, cá dày hay thưa, lớn hay nhỏ… để báo người chèo dọc đưa ra quyết định thả lưới hay không. Trong khi ghe đánh cá, ông bạn lặn này được quyền hút thuốc rê ngắm trăng sao, vì đã xong việc. Cả người bạn ganh, chuyên ngồi ganh khi ghe căng buồm theo gió đi xa, cũng được làm ít việc hơn khi anh em bạn kéo lưới. Ăn chia trong nghề lưới rùng cũng rõ ràng, theo phần cá hay tiền, có mượn tiền trước hay không. Thậm chí, không phải là bạn ghe, xóm trên làng dưới khách thập phương vẫn có thể tham gia kéo lưới, gở các chú cá nhỏ dính lưới ngoài đảy và cũng được chia một ít cá tôm. Lưới rùng đánh bắt được các loại cá tạp vùng biển nông như cá cơm, cá hố, cá nhồng, cá liệt, cá chim, cá mòi…, tôm mực ốc ghẹ sứa đẻn cầu gai đều đem lên bờ được hết.


Sau này, khoảng những năm 60, khi xuất hiện các máy thủy động cơ Ấn Độ, Yanmar, Kubota, điện nước đầy đủ, người ta phát triển các nghề lưới đánh bắt hải sản quy mô lớn ở nước sâu như rớ, mành chà, lưới vây, lưới rê, giả cào. Nghề lưới rùng chỉ co cụm lại trên từng đoạn bải biển hẹp, không còn “chạy lựa” cả tháng mới về nhà, không còn phải lặn “tầm ngư” và ngồi ganh kéo buồm. Nhưng cùng với thúng chai lưới cước, lưới rùng vẫn là nghề kiếm cơm cho một số dân biển nghèo sống dọc theo bờ biển Bình Thuận, cung cấp hải sản tươi cho các resort khách sạn nhà hàng, lôi kéo khách du lịch phương xa tò mò xem đánh lưới.


Ngày Nội sắp mất, ông cứ nhắc đi nhắc lại, không cho thằng Hai theo nghề biển, vì biển chỉ toàn là… giả, không ai nói biển thật. Ông nói tiếp phải bỏ cái nghề phá sơn lâm đâm hà bá, quá ác. Ngẩm nghĩ đúng, năm nào trúng biển hết sức huy hoàng ăn nhậu mua sắm phung phí, nhưng các năm sau thường là mất mùa, nợ nần vay mượn bệnh đau là chắc. Bây giờ, tôi cũng đã thực hiện một phần theo lời Ông Nội trối, cố gắng theo 1 trong 3 nghề có chữ Thày để con cháu được hưởng phúc đức: thày tụng, thày thuốc và thày giáo. Không thể nào đi tu và thi y khoa được, tôi phải làm thày giáo, nhưng còn chuyện phúc đức thì chưa chắc vì bọn trẻ ra trường thất nghiệp nhiều quá, chắc chắn có phần lỗi không nhỏ của mình. Nhớ thày Châu dạy Pháp văn có nói “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”. Hay nhất mấy Bạn mình nên kể cho con cháu nghe chuyện các đại gia bầu Đ., T.Bê và suy nghĩ thật kỹ trước khi khuyên chọn nghề có chữ Thày.

Phạm Sanh P3/B2 72PBC

1 comment:

  1. Ra khơi anh bắt con cá Kình
    Cá Kình nó chạy, anh rình con cá Ngao
    Ra khơi anh bắt con cá Ngao
    Cá Ngao nó chạy ,anh bắt con Ó Sao trên trời .
    Tặng a. Sanh câu hò Bá Trạo của ngư dân Binh Thuận

    ReplyDelete